Mười vị Thánh đại diện cho Thiên niên kỷ mới - Đại hội Giới trẻ Thế giới 2002 tại Toronto/Canada

Đại hội Giới trẻ Thế giới 2002 được diễn ra từ ngày 23/07/2002 - 28/07/2002, tại Toronto/Canada với số lượng người tham gia là 8.000 người. Chủ đề của Đại hội lần này là “Các con là Muối cho đời... Các con là Ánh sáng cho trần gian.” – Phúc âm Matthew 5:13-14. Cùng, bài hát chủ đề Lumière Du Monde (Light Of The World) và được chuyển ngữ với nhiều thứ tiếng, bao gồm: tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha và tiếng Ý. Song, đây cũng là kỳ đại hội cuối cùng do Giáo hoàng Gioan Phaolô II chủ sự.
(Ảnh thuộc nguồn: Ten saints of the New Millennium World Youth Day 2002 – Toronto, Salt and Light Catholic Media Foundation, saltandlighttv.org)

“Như muối làm cho món ăn thêm đậm đà và ánh sáng chiếu soi bóng tối, thánh thiện và được nên thánh mang lại ý nghĩa trọn vẹn cho cuộc sống của tất cả chúng ta. Và là vì vinh quang của Thiên Chúa.

Chúng ta thử suy gẫm xem, Giáo hội ta có bao nhiêu vị thánh, đặc biệt là các vị thánh trẻ tuổi xuyên suốt chiều dài lịch sử. Với tình yêu dâng hiến dành cho Thiên Chúa nơi cuộc đời mình, các vị thánh trẻ đã trở thành những mẫu gương sáng của cả thế hệ, mà tất cả mọi người hay cách riêng là Giáo hội hằng nhớ đến và không ngừng học hỏi.”.

“Nhân ngày Đại hội Giới trẻ Thế giới năm 2002, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã biểu dương cho chúng ta một số mẫu gương thánh thiện tuyệt vời: Thánh Agnès thành Roma, Chân phước Andrê Phú Yên, Chân phước Pedro Calungsod, Thánh Josephine Bakhita, Thánh Têrêsa thành Lisieux, Chân phước Pier Giorgio Frassati, Chân phước Marcel Callo, Chân phước Francisco Castelló Aleu và Thánh Kateri Tekakwitha – người sắc dân Iroquois trẻ tuổi, được biết đến với tên gọi: “Đóa hoa huệ trắng của những người tộc Mohawks/Hoa huệ của người Mohawks”. Và xuyên suốt quá trình chuẩn bị sự kiện trọng đại này cho năm 2002, Đại hội Giới trẻ Thế giới đã cầu bầu cùng Thánh Gianna Beretta Molla và tìm nguồn cảm hứng nơi ngài.

Một trong những nỗ lực to lớn và đây cũng được xem như một món quà tuyệt vời mà Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II mang đến cho tất cả chúng ta là lời kêu gọi các Kitô hữu, những người Công giáo hãy nên thánh. Trong cả triều đại ngài làm Giáo hoàng, ngài đã phong chân phước cho 1338 người nam/nữ và phong thánh cho 482 vị thánh mới. Sự thánh thiện và nên thánh không chỉ dành riêng cho các linh mục và tu sĩ, mà đây là điều tất cả mọi người đều cần đạt được. Bất kể họ xuất thân từ đâu hay họ chọn đi con đường nào trong cuộc đời trần thế, tất cả đều được Chúa Giêsu Kitô mời gọi theo Người. Và chính việc theo Chúa, lắng nghe và thi hành ý Người là phẩm chất của một vị thánh.

Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II, khi đề cập đến “lời mời gọi nên thánh trên toàn cầu”, đã đặc biệt khuyến khích các bạn trẻ nhận lời mọi gọi ấy, lời mời gọi của Chúa Kitô. Như trong lá thư mà Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã viết, gửi đến Đại hội Giới trẻ Thế giới 2002: “Bản chất của con người và đặc biệt là người trẻ là tìm kiếm cái tuyệt đối, cái ý nghĩa trọn vẹn và sự sung mãn của sự sống. Hỡi các bạn trẻ thân mến, đừng thỏa hiệp hay bằng lòng với bất kỳ điều gì thấp hơn lý tưởng cao nhất!”.

Đức Giáo hoàng chia sẻ rằng, được
 nên thánh không phải là điều dễ dàng. Và đó chính là lý do mà ngài luôn lặp đi lặp lại rất nhiều lần với người trẻ là “Đừng sợ!”. Bất kể mọi khó khăn hay thử thách gian lao nào, ân sủng của Chúa ban đều có thể giúp ta vượt qua mọi nghịch cảnh. Tin tưởng và phó thác vào Chúa là một trong những bước đầu tiên mà tất cả chúng ta cần thực hiện trong hành trình được nên thánh. 

Nhưng, nên thánh mang ý nghĩa chính xác là gì? Là cầu nguyện, là những lời cầu nguyện sốt sắng chăng? Là chỉ đơn thuần làm những công việc tốt và có ích thôi sao? Không, sự thánh thiện và được nên thánh vượt xa hơn cả những điều này. Đó là cách sống cam kết và hành động. Nên thánh không phải là một nỗ lực thụ động. Mà đó là sự liên tục trong mọi lựa chọn, quyết định để ngày càng làm sâu sắc, gắn kết hơn mối liên kết của chính mỗi người với Thiên Chúa. Và sau đó là để mối liên kết thân tình ấy hướng dẫn mọi hành động của tất cả chúng ta, của tất cả mọi người trên toàn thế giới

Lời mời gọi nên thánh không phải là điều gì đó xa lạ đối với con người, mà đây phải là mục tiêu, là cùng đích cuối cùng, là sự hoàn thiện của con người. Chúa Giêsu Kitô kêu gọi chúng ta trở thành người mà chúng ta muốn trở thành. Như lời tâm tình đầy cảm động mà Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã nói với những người trẻ tại St. Louis/Mỹ: “Hãy nhớ rằng: Chúa Giêsu Kitô đang kêu gọi tất cả các con; Giáo hội luôn cần các con; Cha tin tưởng các con và mong đợi những điều tuyệt vời ở các con.”.

- Linh mục Thomas Michael Rosica, Dòng Các Cha Thánh Basilian (C.S.B – Congregation of St. Basil (Basilian Fathers)).

Thánh Agnès thành Roma (Inê), Trinh nữ tử đạo – Mẫu gương của sự Thánh khiết hay nhân đức Khiết tịnh: 
Agnes, một người Kitô hữu trẻ tuổi, được tôn vinh là một trong bốn vị trinh nữ tử đạo vĩ đại của Giáo hội. Ngài đã hi sinh vì đức tin của mình vào đầu Thế kỷ thứ tư dưới thời trị vì của hoàng đế La Mã – Diocletianus (năm 284 – năm 305). Diocletianus đã ra lệnh một cuộc đàn áp lớn cuối cùng đối với những người theo đạo Thiên Chúa, bắt đầu từ đầu năm 303. Thánh Agnes, vì muốn giữ gìn sự khiết tịnh, sự trinh trắng của mình và ngài chỉ muốn hiến dâng mình cho Thiên Chúa. Ngài đã từ chối việc kết hôn để trở thành vợ của con trai một thống đốc La Mã và ngài đã hi sinh. Agnes tử đạo vì đức tin của mình khi mới chỉ 12 tuổi. Sự tử đạo của ngài đã gây ấn tượng sâu sắc trong lòng tất cả mọi người và Agnes đã trở thành một trong những người được tôn vinh rộng rãi nhất trong số các vị tử đạo La Mã. Đồng thời, Agnes cũng là vị Thánh được nhiều người biết đến của Giáo hội. 

Agnes được coi là vị thánh bảo trợ của những người phụ nữ trẻ và là người bảo vệ đặc biệt cho sự thuần khiết của thân xác. Sau khi qua đời, Thánh Agnes được chôn cất trong nghĩa trang gia đình, nằm cách thành Roma một quãng ngắn. Ban đầu, có một nhà nguyện nhỏ được đặt trên mộ phần của Thánh Agnes, nhưng sau khi Thiên Chúa Giáo trở thành một tôn giáo hợp pháp của Đế chế La Mã, đền thờ Thánh Agnes được mở rộng và khang trang hơn. Theo truyền thuyết, Constantina, con gái lớn của Constantine với người vợ đầu tiên của ông, tên là Fausta mắc bệnh phong. Cô được cho là đã được chữa khỏi căn bệnh này sau khi cô cầu nguyện với tư cách là một người hành hương đến lăng mộ của Thánh Agnes. 

Ngôi đền Thánh Agnes ngày nay là Vương cung Thánh đường Thánh Agnes, bên ngoài, những bức tường là những bức tranh khảm và gian giữa của Vương cung Thánh đường là những di tích của Thánh Agnes. Cỗ quan tài của Ngài được làm bằng bạc và được trang trí công phu, kiên cố đặt bên dưới bàn thờ. 

Biểu tượng của Thánh Agnes là một con cừu, vì tên của Ngài mang ý nghĩa là “sự tinh khiết” trong tiếng Hy Lạp. Và tên của Ngài giống với tiếng Latinh: Agnus Dei, nghĩa là Chiên Thiên Chúa. Khi các Giáo hoàng trao một phần quyền lực của mình cho các giám mục, họ sẽ được gửi một tấm vải len gọi là "pallium". Tấm vải ấy được dệt từ len của những con cừu non, được thánh hiến vào ngày mừng kính Thánh Agnes. Ngày lễ mừng kính Thánh Agnes được tổ chức vào ngày 21 tháng Giêng.

Chân phước Francisco Castello Aleu:
Có đến 233 vị tử đạo cùng linh mục, tu sĩ và giáo dân đã hi sinh vì đức tin của họ trong cuộc đàn áp tôn giáo xung quanh Nội chiến Tây Ban Nha, từ năm 1936 đến năm 1939. Một trong số họ là Francisco Castello Aleu, 22 tuổi, một nhà hóa học và là một thành viên của nhóm Công giáo Hành động. Khi nhận thức rõ được mức độ nghiêm trọng của tình hình, Francisco Castello Aleu đã không trốn chạy, ngài đã dâng tuổi trẻ của mình như một lễ tế tình yêu dành cho Thiên Chúa và anh chị em của mình. Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã phong chân phước cho 233 vị tử đạo hi sinh trong cuộc đàn áp ấy vào ngày 11 tháng 3 năm 2001. 

Francisco Castello Aleu nhận bằng cử nhân hóa học vào ngày 6 tháng 2 năm 1934. Một người bạn của Francisco Castello Aleu đã kể lại rằng, người bạn ấy thường xuyên có những mâu thuẫn với Francisco Castello Aleu, nhưng ông ấy chưa bao giờ thấy Francisco Castello Aleu tỏ ra xung đột. Ngược lại, Francisco Castello Aleu thường rất lịch thiệp và tử tế, ngài luôn cởi mở và hướng ngoại. Francisco không bị ảnh hưởng bởi những người bạn bị sa lầy vào những dục vọng và chủ nghĩa vật chất. Bất kỳ nơi nào Francisco Castello Aleu có mặt, đều có niềm vui và tiếng cười, ngài luôn có sức ảnh hưởng lớn đến “trái tim” của tất cả bạn bè của mình.

Francisco Castello Aleu được thuê làm kỹ sư cho một công ty phân bón hóa học ở Lleida, một thành phố của Tây ban Nha. Vào mỗi buổi tối, ngài thường tổ chức các khóa học miễn phí cho các công nhân nhà máy và cho dân cư của một khu phố nghèo ở Lleida mà đây chính là những nơi có chủ nghĩa chống Giáo hội. Vào tháng 5 năm 1936, vào ngày Lễ Đức Bà Phù hộ cho các Giáo hữu, Francisco Castello Aleu đã đính hôn với María Pelegri, một người phụ nữ trẻ có lòng mộ đạo như ngài. Song, mối quan hệ của họ vẫn hết mực trong trắng. Vào ngày 1 tháng 7 sau đó, Francisco Castello Aleu nhập ngũ và được gửi đến pháo đài ở Lleida. Ngay vào ngày hôm sau, pháo đài rơi vào tay một Ủy ban Quân sự theo Chủ nghĩa Mác-xít (Chủ nghĩa Marx). Vào đêm 20 – 21 tháng 7, Francisco bị đánh thức bằng một cách hết sức thô bạo bởi chỉ huy mới của pháo đài, ông ta cáo buộc Francisco là “phát xít”. Francisco bị nhốt cùng với 20 tù nhân trong một nhà nguyện cũ không có cửa mở nhưng chỉ có một máy thở nhỏ xíu và không có thiết bị vệ sinh. Vào thứ bảy, ngày 12 tháng 9, Lễ Thánh Danh Đức Mẹ, Francisco bị chuyển đến nhà tù tỉnh. Francisco đi từ phòng giam này đến phòng giam khác để tìm kiếm các tù nhân thấy nản lòng, ngài tạo ra một dàn hợp xướng và khuyến khích họ giải trí bằng các môn như cờ vua, cờ caro,… 
Để chế nhạo các người tín hữu và linh mục, dân quân đã bắt họ thực hiện những "nhiệm vụ" đáng ghê tởm nhất. Và Francisco nhận trách nhiệm dọn dẹp nhà tiêu và bãi rác.

Vào tối ngày 29 tháng 9, có 6 tù nhân đã được đưa đi trong một chiếc xe tải, trong đó có Francisco. Ngài đã bắt đầu cất tiếng hát bài Credo (tiếng Latinh, và tựa tiếng Anh là I Believe), tức Kinh Tin Kính và những người khác đã cùng hát theo. Một thành viên dân quân đã tát vào mặt Francisco để khiến ngài im lặng và sau đó, ngài đã nói rằng: “Tôi tha thứ cho anh, vì anh không biết việc mình đang làm.”. Ở cuối con đường của chuyến xe tải hôm ấy, là một cánh cổng dẫn đến một không gian nhỏ hẹp, có một vũ đài cho các cuộc hành quyết và nơi đó có sẵn một bàn thờ, với một cây thánh giá được làm bằng đá.

Đối diện với đội xử bắn, Francisco hét lên thật lớn: “Xin hãy chờ một chút đã! Tôi tha thứ cho tất cả các anh và tôi sẽ gặp các anh trong cõi vĩnh hằng!”. Và rồi, hai tay Francisco chắp lại, mắt ngài nhìn lên trời và ngài cầu nguyện. Một tiếng nói ra lệnh vang lên: “Bắn!”. Francisco hét lên một tiếng cuối cùng: “Chúa Kitô hằng sống và hiển trị muôn đời!”.

Và đó là những lời cuối cùng của một chàng thanh niên Tây Ban Nha 22 tuổi, ngài đã tử đạo vì đức tin trong Nội chiến Tây Ban Nga vào ngày 29 tháng 9 năm 1936.

Thánh Kateri Tekakwitha – Mầu nhiệm Mohawk của Bắc Mỹ: 
Được biết đến là “Đóa hoa huệ trắng của Mohawks”, và “Genevieve của Tân Pháp”, Thánh Kateri Tekakwitha là một trinh nữ thổ dân da đỏ thuộc bộ tộc Mohawk, theo một số nhà chức trách thì ngài được sinh ra tại làng Ossernenon (ngày nay là Auriesville) năm 1656, nhưng theo một số người khác thì lại là tại làng Gandaouge. Và qua đời tại Caughnawaga, Canada vào ngày 17 tháng 4 năm 1680. 

Mẹ của Kateri Tekakwitha là người thuộc sắc dân Algonquin, theo đạo Công giáo, bà đã bị người Iroquois bắt và được Kenneronkwa – một viên thủ lãnh (cha của Kateri Tekakwitha) cứu thoát khỏi sự giam cầm. Họ kết hôn và sinh ra một con trai và một con gái (Kateri Tekakwitha). Khi Kateri Tekakwitha lên bốn tuổi, cha mẹ và em trai của Kateri Tekakwitha qua đời vì một cơn dịch bệnh khủng khiếp trong vùng – bệnh đậu mùa. Kateri Tekakwitha được nhận nuôi bởi cậu và hai dì của mình, cậu của Kateri Tekakwitha thay cha của Kateri Tekakwitha làm thủ lãnh. Bệnh đậu mùa đã khiến Kateri Tekakwitha bị rỗ mặt và mắt rất kém, Kateri Tekakwitha trở nên dè dặt và thu mình hơn. Song, vì các dì đã dự tính và bàn bạc đến chuyện kết hôn cho Kateri Tekakwitha từ nhỏ, nên khi càng lớn, Kateri Tekakwitha càng trở nên dè dặt và mặc cảm hơn. 

Năm 1667, các nhà truyền giáo Dòng Tên là: Fremin, Bruyas và Pierron, đi cùng với các đại biểu Mohawk đã đến Quebec để ký kết hòa bình với người Pháp. Họ đã ở trong nhà nghỉ của cậu Kateri Tekakwitha trong 3 ngày. Từ họ, Kateri Tekakwitha đã được biết đến những giáo lý đầu tiên về Thiên Chúa Giáo, dù Kateri Tekakwitha đã chấp nhận và tin những giáo lý ấy trong thâm tâm nhưng Kateri Tekakwitha vào thời điểm đó lại không mong muốn được rửa tội. 

Khi Kateri Tekakwitha lên 18 tuổi, Cha Jacques de Lamverville đến để phụ trách sứ mệnh truyền giáo của mình, bao gồm của gia tộc của Kateri Tekakwitha. Theo yêu cầu tha thiết của Kateri Tekakwitha, Cha đã rửa tội cho Kateri Tekakwitha và từ thời điểm đó, Kateri Tekakwitha đã không ngừng sốt sắng hơn nữa với đức tin của mình. Kateri Tekakwitha đã rất kiên cường bảo vệ đức tin của mình trước sự chống đối, can ngăn của gia đình. Và rồi, nhà nghỉ của cậu Kateri Tekakwitha không còn là nơi để bảo vệ ngài nữa, gia đình ngài dùng nhiều cách để ngài phải bỏ đạo nhưng ngài vẫn một mực giữ vững đức tin. Kateri Tekakwitha được một số người bản xứ theo đạo Thiên Chúa giúp đỡ để trốn đến Caughnawaga tại St.Laurence. Tại đây, ngài sống trong căn nhà của Anastasia Tegonhatsihonga, một người phụ nữ bản địa theo đạo Thiên Chúa, sự thánh thiện phi thường của ngài đã gây ấn tượng không chỉ với người dân thuộc dân tộc ngài, mà còn gây ấn tượng đến cả những người Pháp, đặc biệt là những người truyền giáo. Nhiều người đã nói, mối liên kết của Kateri Tekakwitha với Chúa đã đạt đến sự vẹn toàn và hoàn hảo nhất qua lời cầu nguyện. 

Kateri dành cả cuộc đời mình để đi rao giảng và chỉ dạy cách cầu nguyện cho các trẻ em và giúp đỡ những người bệnh, cùng những người già yếu, cho đến khi căn bệnh quái ác đã cướp đi sinh mạng của Kateri. Vào ngày 17 tháng 4 năm 1680, Thứ Tư tuần Thánh¸ ngài qua đời lúc 3 giờ chiều ở tuổi 20. Những lời cuối cùng mà ngài đã thốt lên trước khi qua đời là: “Giêsu! Maria! Con yêu mến Người!”. Mười lăm phút sau cái chết của ngài trước sự chứng kiến của hai tu sĩ Dòng Tên và tất cả những người thổ dân da đỏ, những vết sẹo trên mặt ngài bỗng dưng biến mất. 

Sau khi qua đời, ngài được nhiều người tôn kính và đã có nhiều người hành hương đến thăm mộ của ngài ở Caughnawaga – nơi một tượng đài tưởng nhớ ngài được xây nên. Vào ngày 22 tháng 6 năm 1980, Kateri Tekakwitha được Giáo hoàng Gioan Phaolô II phong chân phước. Và ngày 21 tháng 10 năm 2012, Chân phước Kateri Tekakwitha được Đức Giáo hoàng Biển Đức XVI phong Thánh trong Thượng hội đồng về Tân Phúc âm hóa tại Rôma. 

Chân phước Pedro Calungsod của Visayas – Giáo lý viên Phillipines: 

Có một số thông tin chi tiết về cuộc đời của Pedro Calungsod, trước khi ngài làm công việc truyền giáo cho đến khi ngài qua đời. Pedro Calungsod là một giáo lý viên trẻ thế kỷ XVII, ngài đã ra đi khỏi đất nước của mình và thực hiện hành trình truyền giáo, để tiếp cận với những người thuộc các nơi khác mà rao giảng tin mừng. Pedro Calungsod đã đi đến đảo Guam cùng Chân phước Cha Diego Luis de San Vitores (được phong chân phước năm 1985) và tại đây, họ đã gặp phải những người bản xứ thù địch. Chàng trai trẻ 17 tuổi Pedro tử đạo ở Guam vào ngày 2 tháng 4 năm 1672, trong khi ngài đang ra sức bảo vệ một linh mục Dòng Tên – tức Cha San Vitores trước những người phản đối và thù ghét đạo Thiên Chúa. Họ đã tấn công Pedro Calungsod bằng một ngọn giáo và đã dùng dao rạch hộp sọ của Pedro Calungsod. Xác của vị tu sĩ Dòng Tên cùng Pedro Calungsod sau đó bị trói vào nhau và ném xuống biển, về sau vẫn chưa tìm thấy được xác của họ.

Pedro Calungsod được phong chân phước vào ngày 5 tháng 3 năm 2000. Theo bài giảng của Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II:
“Vậy ai tuyên xưng Thầy trước mặt người đời, thì Thầy sẽ tuyên xưng nó trước mặt Cha Thầy là Đấng ngự trên trời.” – (Mt 10, 32). Ngay từ thời thơ ấu, Pedro Calungsod đã tuyên bố rằng mình sẽ trung thành và giữ vững đức tin của mình với Thiên Chúa và sốt sắng đáp lại, cùng thực thi lời kêu gọi của Người. Giới trẻ ngày nay, có thể học hỏi theo mẫu gương của Pedro Calungsod. Chính tình yêu của Chúa Giêsu đã thôi thúc Pedro Calungsod dấn thân, và ngài đã dành cả thời niên thiếu của mình để truyền giáo như một người giáo lý viên thực thụ. Bỏ lại gia đình, bạn bè, Pedro sẵn sàng chấp nhận thử thách do Cha Diego de San Vitores đưa ra, để cùng Cha trong sứ mệnh truyền giáo đến Guam. Với đức tin được biểu hiện qua lòng sùng kính Bí Tích Thánh Thể và Đức Mẹ một cách mạnh mẽ, Pedro đã dũng cảm đảm nhận công việc ấy và can đảm đối mặt với nhiều trở ngại và khó khăn. Nhất là khi Pedro cận kề với sự dữ, ngài vẫn không từ bỏ Cha Diego, với tư cách là một chiến binh của Chúa Giêsu Kitô, ngài chấp nhận tử đạo cùng nhà truyền giáo. Ngày hôm nay, ta cầu nguyện cho giới trẻ, đặc biệt là những người người trẻ Philippines, nhờ chân phước Pedro Calungsod thì hẳn đây là một lời thách thức và mời gọi. Các bạn trẻ thân mến, đừng ngần ngại noi gương Pedro Calungsod. Đây, “Người Công Chính đẹp lòng Thiên Chúa, nên được Thiên Chúa yêu thương…” – Kn, 4:10. Và ngài đã sống thật tuyệt vời dù chỉ trong một thời gian ngắn, chỉ cần thế thôi tức là đã sống một cuộc đời vẹn toàn.”.

Đức tin đã được “gieo trồng” và “ươm mầm nảy nở” tại Marianas năm 1668. Vào ngày Khánh Nhật Truyền giáo tháng 10, năm 2012, trong Thượng hội đồng về Tân Phúc âm hóa, Pedro Calungsod đã được tuyên thánh và trở thành vị thánh thứ hai sau Thánh Lorendzo Ruiz – người Phi Luật Tân đầu tiên tử vì đạo, khi đang phục vụ sứ mệnh của mình vào năm 1637.

Như Giáo phụ Tertullian đã viết: “Như được tinh luyện, việc hung ác của các người chẳng đạt được mục đích gì hết, trái lại, đối với cộng đồng của chúng tôi thì đó là một lời mời gọi. Chúng tôi gia tăng mỗi lần khi có một người nào trong chúng tôi bị cắt hái: Máu của Kitô hữu như một hạt giống vậy.” – Apologeticus, 50:13.

Thánh Têrêsa thành Lisieux – Tiến sĩ Hội Thánh:
Therese Martin – Thánh Têrêsa sinh ngày 2 tháng 1 năm 1873, tại Pháp. Sau khi mẹ qua đời, hai chị gái của ngài là Pauline và Marie đã gia nhập tu viện Dòng Cát Minh tại Lisieux. Chính sự mất mát này đã khiến Têrêsa dần chìm vào nỗi buồn bã và chứng trầm cảm, cảm giác mất mẹ luôn ùa về hành hạ cô gái nhỏ. Vào ngày 13/05/1883, khi cả nhà đang cùng cầu nguyện, Đức Trinh nữ Maria đã hiện ra và nở nụ cười đầy “tốt lành và yêu thương” với Têrêsa, chính vì mầu nhiệm này, Têrêsa được chữa lành tuyệt đối về mặt tinh thần, tâm lý, cảm xúc và thân xác. Chính sự kiện này, mà Đức Mẹ bắt đầu được tôn kính với tước hiệu “Đức Mẹ Mỉm Cười” (Our Lady of Smile/Smiling Virgin Mary).

Từ rất sớm, Têrêsa đã mơ ước được trở thành nữ tu Dòng Cát Minh như các chị của mình. Và Têrêsa đã không ngừng quyết tâm, tu dưỡng rèn luyện bản thân và ngài đã được nhận vào Dòng năm 15 tuổi. Ngài lấy tên là "Thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu và Thánh Nhan". Những ngày khó khăn ban đầu, ngài đã khám phá ra được những thách thức trong việc cầu nguyện và chiêm niệm, cùng sự khắc khổ của các Quy tắc trong tu viện. Và từ năm 1894, ngài đã bắt đầu viết cuốn nhật ký về hành trình tâm linh của mình. Khi thực hiện điều ấy, ngài ý thức được sâu sắc hơn cả lòng thương xót của Chúa và phận người nhỏ bé của mình. Linh đạo “Đường Thơ ấu” của ngài là con đường tin tưởng và phó thác mọi sự nơi chính mình cho lòng thương xót và tình yêu quan phòng bao la của Chúa.

Khi được chẩn đoán bị mắc bệnh lao năm 1896, Têrêsa bắt đầu những ngày tháng u tối trong tâm hồn, đó là một thời kỳ vô cùng tăm tối đầy chán nản. Thế nhưng, Têrêsa vẫn sẵn sàng và không ngừng cống hiến. Têrêsa luôn đề nghị được thực hiện những công việc ít thú vị nhất, vì đối với ngài, đó là cách để trở thành “muối và ánh sáng” cho cộng đồng mình. Khi đối diện cận kề với cái chết, ngài viết: “Tôi thực sự sẽ không chết. Tôi chỉ đang bước vào một cuộc sống khác.”. Ngài qua đời vào ngày 30 tháng 9 năm 1897, sau những cơn đau đớn khôn cùng do căn bệnh gây nên. Trong chính khoảng thời gian đau đớn ấy, khi chịu dằn vặt bởi căn bệnh, Têrêsa đã nói: “Tôi cảm thấy như thể sứ mệnh của mình sắp bắt đầu… Tôi muốn được sống một sự sống vĩnh cửu trên Thiên đàng bằng cách làm điều tốt ở trần gian.”.

Một năm sau sau khi Têrêsa qua đời, cuốn hồi ký của ngài về tinh thần đã được xuất bản và thành công một cách rực rỡ. Mặc dù, việc chôn cất ngài vẫn chưa được xác định một cách chính xác về thời gian và không gian, nhưng ngôi mộ của ngài đã trở thành một địa điểm hành hương và có nhiều phép lạ đã xảy ra tại đó. Têrêsa được phong chân phước vào năm 1923 và được phong thánh vào năm 1925. Thánh Têrêsa còn được biết đến là vị bảo trợ của các Xứ Truyền giáo (Patron of the Missions) hay vị Thánh với nhiều phép lạ (Prodigy of Miracles).

Tại Đại hội Giới trẻ Thế giới năm 1997, tại Paris/Pháp, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã trao tặng danh hiệu cho Têrêsa là “Tiến sĩ của Giáo hội Hoàn vũ” vì chiều sâu trong các tác phẩm tâm linh của ngài. Cùng vào cuối năm 1997 đó, ngày 19 tháng 10, Chúa Nhật, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã công bố Thánh Têrêsa thành Lisieux là Nữ Tiến sĩ thứ ba của Giáo hội. Trước đó có Thánh Têrêsa thành Avila và Thánh Catarina thành Siena – hai vị Thánh được Đức Giáo hoàng Phaolô VI tuyên phong vào năm 1970. Song, tính cho đến năm 1970, có 32 Tiến sĩ của Giáo hội và tất cả đều là nam giới. Là nhà thần học trẻ tuổi nhất của Hội thánh, các tác phẩm và cuộc đời của Thánh Têrêsa thành Lisieux nhấn mạnh đến tình yêu của Chúa Giêsu và lòng thương xót của Thiên Chúa.

Chân phước Andrê Phú Yên – Vị tử đạo đầu tiên của Việt Nam: 
Andrê, quê ở Phú Yên sinh năm 1624 và mất năm 1644, đã tử đạo vì đức tin của mình. Ngài sinh ra và lớn lên ở tỉnh Phú Yên, sống cùng mẹ trong một gia đình nghèo, ngài theo học tại Dòng Tên và được rửa tội khi mới 16 tuổi. Andrê trở thành một giáo lý viên và truyền giáo với lòng nhiệt thành, sốt sắng và tràn đầy tình yêu Thiên Chúa, với mong muốn được cứu rỗi cho tất cả mọi người.

Năm 1644, Andrê Phú Yên bị những người lính nhân danh nhà vua bắt giữ, họ là những người phản đối và muốn loại bỏ đạo Thiên Chúa ra khỏi đất nước mình. Vào ngày 26 tháng 7 năm 1644, Andrê Phú Yên bị chặt đầu khi kêu lên thật lớn “Chúa ơi!”. Và ngài chính là mẫu gương sáng ngời cho các giáo lý viên Việt Nam, ngài được Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II phong chân phước tại Rôma vào ngày 5 tháng 3 năm 2000. Trong bài giảng phong chân phước cho Andrê, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã chia sẻ:

“Vậy ai tuyên xưng Thầy trước mặt người đời, thì Thầy sẽ tuyên xưng nó trước mặt Cha Thầy là Đấng ngự trên trời.” – (Mt 10, 32). Andrê Phú Yên tại Việt Nam đã là minh chứng sống cho lời này của Thiên Chúa, qua cuộc đời đầy dũng cảm của mình. Từ ngày được lãnh nhận Bí Tích Rửa tội năm 16 tuổi, Andrê Phú Yên đã không ngừng và ra sức sống một đời sống thiêng liêng, đầy thánh thiện. Giữa những khó khăn, thử thách mà mọi tín hữu là Kitô hữu phải trải qua, Andrê Phú Yên đã sống như một chứng nhân trung thành cho sự Phục sinh của Chúa Giêsu Kitô và không hề mệt mỏi loan báo Tin mừng trong hiệp hội giáo lý viên “Maison Dieu”. Vì lòng yêu mến Chúa, Andrê đã dành trọn vẹn sức lực của mình để phục vụ Giáo hội và hỗ trợ các linh mục thực hiện sứ mệnh truyền giáo. Andrê Phú Yên đã kiên trì cho đến đổ máu cho tình yêu với Đấng mà ngài đã chọn hoàn toàn hiến thân.”.

Ngày lễ mừng kính Andrê Phú Yên được tổ chức vào ngày 26 tháng 7 hằng năm, rằng đây chính là ngày ngài đã tử vì đạo.

Thánh Josephine Bakhita:
Được biết đến với tên gọi “Madre Moretta” – người Mẹ da đen, Josephine Bakhita là một cựu nô lệ người da đen, và đã trở thành một nữ tu Canossian, tại Ý. Josephine Bakhita sinh ra tại Sudan, phía Đông Bắc Châu Phi vào khoảng năm 1870. Năm 9 tuổi, ngài bị bắt cóc bởi những người nô lệ và những người buôn bán nô lệ đã đặt tên cho ngài là “Bakhita” có nghĩa là người may mắn. Sau khi Josephine Bakhita trốn thoát khỏi những người nô lệ ấy, thì Josephine Bakhita lại bị một người bắt giữ và ông ấy đã lấy ngài “làm món quà” cho con gái của ông ở Al-Ubayyid. Tại đó, Josephine Bakhita được đối xử tốt nhưng cho đến khi Josephine Bakhita làm vỡ một chiếc bình, Josephine Bakhita bị bán cho một sĩ quan Thổ Nhĩ Kỳ, tên sĩ quan ấy đã bán lại ngài ở một ngôi chợ tại Khartoum. Sau đó, Josephine Bakhita được đưa đến cho một phó viện trưởng người Ý. Phó viện trưởng ấy khi trở lại Ý đã mang Josephine Bakhita theo. Tại đây, ngài được trao cho phu nhân Michieli ở Genoa. Vị phu nhân này đã gửi Josephine Bakhita đến tu viện, để được giáo dục bởi Các Nữ tu Canossian – Dòng Bác ái Canossian.

Josephine Bakhita rửa tội vào ngày 9 tháng 1 năm 1890. Josephine Bakhita từ chối rời khỏi tu viện sau khi nhận biết được ơn gọi của mình, bất chấp yêu cầu của phu nhân Michieli – người có quyền sở hữu Josephine Bakhita. Sau đó, vị Hồng y và viện kiểm sát của chính quyền Ý lúc bấy giờ đã được mời đến giải quyết và hòa giải vấn đề. Họ đã quyết định cho Josephine Bakhita thực hiện ơn gọi của mình, ngài được chào đón vào tu viện Canossian và đã thực hiện nghi thức tuyên khấn. Đức Hồng y Sarto vô cùng hoan nghênh Josephine Bakhita.

Sự thánh thiện và lòng tận tụy của Josephine Bakhita đã được thể hiện trong nhiều công việc, từ đầu bếp, người gác cổng và người giữ gìn các vật thánh thiêng. Quả thật, Thiên Chúa đã đưa Josephine Bakhita ra khỏi Châu Phi, thoát khỏi nạn nô lệ và tôn vinh ngài tại Châu Âu. Nhận ra được ân sủng này, Madre Moretta – người Mẹ da đen này đã đi khắp nước Ý để phục vụ và thực hiện sứ mệnh của mình. Nữ tu Canossian – Josephine Bakhita đã phục vụ xuyên suốt nửa thế kỷ và đã qua đời tại Ý, vào ngày 8 tháng 2 năm 1947. Và được người dân nơi đây hết mực tôn kính. Josephine Bakhita cũng không hề bị người Sudan lãng quên, chân dung ngài được treo trong Nhà thờ tại Khartoum.

Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã phong chân phước cho ngài vào ngày 17 tháng 5 năm 1992, trước sự chứng kiến của 300 nữ tu dòng Canossia và các khách hành hương, trong số đó, có nhiều người đến từ Sudan. Vào ngày 1 tháng 10 năm 2000, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II cũng đã tuyên thánh cho Josephine Bakhita. Trong bài giảng tại Thánh lễ phong thánh hôm ấy tại Quảng trường Thánh Peter:

“Chúng ta đã tìm thấy được một chứng nhân sáng giá cho sự giải phóng chân lý. Cuộc đời của Josephine Bakhita đã truyền cảm hứng cho tất cả chúng ta, đây không phải là một sự thỏa hiệp hay cam chịu, mà bằng quyết tâm kiên định, hăng say làm việc hiệu quả, Josephine Bakhita đã giải phóng và giúp cho các bé gái và những người phụ nữ thoát khỏi áp bực và bạo lực. Đồng thời, trả lại cho họ phẩm giá cao quý của chính mình khi giành lại được các nhân quyền của họ.”.

Chân phước Pier Giorgio Frassati – Mẫu gương Thánh thiện của Tám Mối Phúc:
Pier Giorgio Frassati sinh tại Torino, Ý vào ngày 6 tháng 4 năm 1901. Mẹ ngài là một họa sĩ, còn Cha là một người theo thuyết bất khả tri vô cùng nổi tiếng và là một chính trị, sáng lập tờ báo La Stampa (Ý). Đồng thời, Cha của Pier Giorgio Frassati còn được phong là Thượng nghị sĩ và là Đại sứ của Ý tại Đức. Pier Giorgio Frassati lớn lên cùng với một em gái tên là Luciana. Sau đó, ngài theo học tại trường Dòng Tên, tại đây ngài đã tham gia hội Liên Đới Đức Mẹ. Ngài được phép rước lễ hằng ngày khi chỉ mới lên 14 tuổi, mà đây là điều rất hiếm gặp thời bấy giờ. Ngài sống một đời sống vô cùng đạo hạnh, với tinh thần sâu sắc và không ngừng sẻ chia với các bạn bè đồng trang lứa. Pier Giorgio Frassati vô cùng tôn kính Bí Tích Thánh Thể và Đức Trinh Nữ Maria, đây là hai trụ cột thiêng liêng trong đời sống cầu nguyện của ngài. Năm lên 17 tuổi, ngài đã gia nhập Hiệp hội Thánh Vinh Sơn Phaolô và đã dành nhiều thời gian của mình để phục vụ các bệnh nhân và những người thiếu thốn, chăm sóc trẻ mồ côi và trợ giúp cho các quân nhân xuất ngũ trở về từ chiến tranh thế giới thứ nhất.

Pier Giorgio Frassati nhận thấy Chúa Giêsu nơi những người bé nhỏ và nghèo khổ. Và khi một người bạn hỏi ngài rằng làm sao ngài có thể đi đến những nơi bẩn thỉu để thăm hỏi và phục vụ cho người nghèo, Pier Giorgio Frassati đã trả lời rằng: “Hãy nhớ rằng, vì chính Chúa Giêsu mà chúng ta đến thăm họ. Tôi nhận thấy xung quanh những bệnh nhân và người nghèo là một ánh hào quang vô cùng sáng chói và đặc biệt, mà nơi những người giàu thì không có.”.

Như cha của mình, Pier Giorgio Frassati là một chiến binh chống phát xít vô cùng mạnh mẽ và quyết liệt. Pier Giorgio Frassati không bao giờ che giấu chính kiến của mình. Khỏe mạnh và tràn đầy năng lượng, quanh Pier Giorgio Frassati có rất nhiều bạn bè và họ đều phải thừa nhận chính Pier Giorgio Frassati có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến họ. 

Pier Giorgio Frassati không chọn trở thành một linh mục, ông chọn cho mình là một giáo dân sốt sắng rao giảng Tin mừng. Trước khi nhận bằng đại học về kỹ thuật khai thác mỏ, Pier Giorgio Frassati đã mắc bệnh bại liệt và theo bác sỹ khám cho ngài, Pier Giorgio Frassati bị nhiễm căn bệnh ấy từ những bệnh nhân nghèo mà ngài đã đến thăm và phục vụ. Sau 6 ngày đau đớn cùng cực bởi căn bệnh bại liệt, Pier Giorgio Frassati qua đời ở tuổi 24 vào ngày 4 tháng 7 năm 1925. Những nghĩ suy, trăn trở cuối cùng của Pier Giorgio Frassati dành cho những mảnh đời đơn nghèo, nhỏ bé được viết lại qua bức thư mà ngài đã gửi cho bạn mình, vào đêm trước khi ngài qua đời. Nơi bức thư, Pier Giorgio Frassati đã nhờ bạn mình mua thuốc thang cho những người nghèo mà ngài thường xuyên đến thăm và số tiền ấy hãy trừ vào tài khoản riêng của Pier Giorgio Frassati. Tại đám tang của Pier Giorgio Frassati, trên mọi đường phố của Torino chật kín người đến để tang ngài. Những người khóc thương ngài đông đảo đến nỗi, gia đình ngài còn chẳng thể biết đến phần đông trong số họ. Họ là những người nghèo và thiếu thốn, là những người mà Pier Giorgio Frassati đã phục vụ cách vô vị lợi trong nhiều năm ròng. Song, những người nghèo ấy cũng vô cùng bất ngờ trước sự thánh thiện và xuất thân cao quý của ngài, là người thừa kế của gia đình Frassati có sức ảnh hưởng đến cộng đồng mạnh mẽ.

Ngày 20 tháng 5 năm 1990, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã phong chân phước cho Pier Giorgio Frassati, ngài được Đức Giáo hoàng trao tặng danh hiệu “người của Tám Mối Phúc” và là người được Đức Giáo hoàng luôn ngưỡng mộ. Cuộc đời của Pier Giorgio Frassati là một minh chứng sáng cho sự nhập thể của Phúc âm trong tình yêu thương, ân cần phục vụ vì tha nhân. Cuộc đời của Pier Giorgio Frassati được hướng dẫn bởi Thánh Linh của Tám Mối Phúc và ngài đã từ bỏ những ham muốn vị kỷ của bản thân mà tận hiến mình để phụng sự cho Chúa, vì đây là lựa chọn dẫn đến hạnh phúc đích thực. Sự thánh thiện và nên thánh là dành cho tất cả mọi người chúng ta, và chỉ có bác ái, yêu thương mới có thể làm nảy sinh những khát vọng kiến tạo thế giới nên tốt đẹp hơn, trong trái tim của tất cả mọi người.

Chân phước Marcel Callo - Vị tử đạo trong trại tập trung Mauthausen:
Những người đã hi sinh trong Chiến tranh Thế giới thứ hai là những người đàn ông và phụ nữ vô cùng anh dũng. Trong số họ, một số người đã phải chịu đựng những năm tháng kinh hoàng và đau đớn, và bị giết chết trong sự bạo lực tàn nhẫn một cách đột ngột. Và chân phước Marcel Callo, đã chịu đựng những cuộc bạo hành tàn nhẫn ấy cho đến hơi thở cuối cùng. Nhưng với trái tim kiên cường, ngài đương đầu với những đau khổ ấy một cách dũng cảm và mạnh mẽ.

Marcel Callo, một nhà truyền giáo sinh vào ngày 6 tháng 12 năm 1921 tại Rennes, Pháp. Ngài được sinh trưởng trong một gia đình có 9 người con và được rửa tội sau ngày sinh khoảng 2 ngày. Marcel Callo học tại các trường học ở địa phương mình, rồi ngài học ngành in ấn khi gần 30 tuổi. Ngài là chiến sĩ thuộc Phong trào Thanh Lao Công và là một người vô cùng mộ đạo. Ngài luôn chu toàn bổn phận của mình và không bao giờ bỏ sót việc tham dự và lãnh nhận các bí tích. Marcel Callo đính hôn vào tháng 8 năm 1942.

Nhưng niềm hạnh phúc ấy chẳng được bao lâu, trong vài tháng giao tranh, toàn bộ sức ảnh hưởng và sức nặng bởi cuộc áp bức của Đức Quốc xã đến Rennes. Marcel buộc phải tham gia vào chương trình vận chuyển các thanh niên người Pháp sang Đức để làm nô lệ. Marcel Callo được giao cho một nhà máy ở Zella-Mehlis, Đức. Ngài đã dành thời gian tại đó để khích lệ và gầy dựng lại tinh thần của những người Kitô hữu nơi đây, trong điều kiện lao động cưỡng bức, vô cùng nguy hiểm và vô nhân đạo. Chế độ ăn uống hà khắc và tần suất lao động khắc nghiệt khiến Marcel suy sụp về mặt thể chất, nhưng ngài vẫn không ngừng chu toàn bổn phận của mình. Marcel Callo thậm chí còn sắp xếp cho việc tổ chức một thánh lễ ở Pháp, và chính hành động này khiến Marcel bị Gestapo chú ý – lực lượng cảnh sát mật vụ của tổ chức vũ trang do Đức Quốc xã lập ra.

Vào tháng 4 năm 1944, Marcel bị bắt vì quá sùng đạo và bị đưa đến Mauthausen, trại tập trung Gusen thứ 2 được biết đến là rất ít người sống sót tại “địa ngục trần gian” này. Tại đây, Marcel đã cầu nguyện sốt sắng và không ngừng động viên các bạn tù của mình xuyên suốt 5 tháng trước khi ngài qua đời vì suy dinh dưỡng và khi ấy diễn ra sự kiện vào ngày 19 tháng 3 năm 1945.

Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã phong chân phước cho Marcel vào ngày 4 tháng 10 năm 1987, trong bản tuyên bố:
“Thật vậy, Marcel đã vác lấy thập tự giá đời mình. Đầu tiên tại Pháp. Marcel bị giằng xé khỏi tình cảm của mình dành cho gia đình và vị hôn thê hết mực dịu dàng và trung thành, mà Marcel rất yêu thương. Tại Đức, nơi mà Marcel đã dấy lên Phong trào Thanh Lao Công cùng các bạn bè của mình, và một số người trong số họ đã hi sinh vì làm chứng cho Chúa Giêsu. Khi bị truy bắt bởi Gestapo, Marcel vẫn dũng cảm tiếp tục sứ mệnh của mình đến cuối cùng. Như Chúa, ngài đã “yêu” và dành toàn bộ cuộc đời mình để tận hiến và như Chúa đã hiến thân mình chuộc tội cho thế gian qua Bí Tích Thánh Thể. Với niềm hạnh phúc vĩnh cửu thuộc về Chúa, Marcel làm chứng cho đức tin của mình, “dưới đất” không thể tách rời khỏi “ trên trời”. Những gì thiên đàng chuẩn bị cho trần gian đều trong công lý và tình yêu. Và hẳn là khi thực sự yêu thương, người ta đã là người thật “có phúc”. Đại tá Tibodo, người đã chứng kiến hàng ngàn cái chết của các tù nhân vào sáng ngày 19 tháng 3 năm 1945, đại tá Tibodo đã làm chứng và đã thuật lại một cách kiên quyết, đầy xúc động về Marcel rằng: Marcel quả thật mang dáng dấp của một vị thánh nhân. 

Thánh Gianna Beretta Molla – Người mẹ, vị bác sĩ và người yêu mến sự sống:
Gianna Beretta Molla sinh tại Magenta (Milan), nước Ý vào ngày 4 tháng 10 năm 1922. Là con thứ 10 trong gia đình 13 người con. Từ thuở thiếu thời, Gianna đã được thừa hưởng đức tin vững mạnh của cha mẹ mình và được dạy giáo lý từ cha mẹ một cách nghiêm túc và sâu sắc. Sau khi nhận bằng y khoa về phẫu thuật tại Đại học Pavia năm 1949, Gianna đã mở một phòng khám tại Mesero gần Magenta vào năm 1950. Gianna là bác sĩ chuyên khoa Nhi tại Đại học Milan vào năm 1952, và nhận được sự tin cậy và yêu mến đặc biệt của các bà mẹ, trẻ sơ sinh, trẻ em và người già, người nghèo.

Vào ngày 24 tháng 9 năm 1955, Gianna Beretta Molla kết hôn với Pietro Molla – một kỹ sư, tại Vương cung Thánh đường Thánh Martin ở Magenta. Họ có với nhau 4 người con là Pierluigi, Mariolina, Laura và Gianna Emaunela. Gianna chu toàn mọi bổn phận của mình với tư chất là một người mẹ, người vợ và là một bác sĩ y khoa. Và Gianna luôn cân bằng một cách hài hòa các trách nhiệm và bổn phận của mình.

Gianna yêu thích văn hóa, thời trang và làm đẹp. Ngài chơi piano, là một họa sĩ, thích quần vợt, leo núi, trượt tuyết và đi du lịch.

Vào tháng 9 năm 1961, vào cuối tháng thứ hai của thai kỳ với đứa con thứ tư của mình, các bác sĩ đã chẩn đoán có một khối u xơ tử cung nghiêm trọng cần được phẫu thuật ngay. Và việc phẫu thuật này, yêu cầu Gianna phải phá bỏ bào thai mà Gianna đang mang, để cứu lấy mạng sống của chính mình. Gianna đã đưa ra một quyết định vô cùng mạnh mẽ và dũng cảm, khi ngài từ chối việc phá thai và phó thác mọi sự nơi Chúa, Gianna không ngừng cầu nguyện. Gianna đã nói với bác sĩ của mình rằng: “Nếu phải quyết định giữa mạng sống của tôi và đứa bé, xin đừng do dự. Hãy chọn đứa trẻ, tôi nhất quyết muốn điều ấy. Hãy cứu đứa bé.”.

Vào sáng Thứ Bảy Tuần Thánh, ngày 21 tháng 4 năm 1962, cô con gái Gianna Emanuela chào đời. Với mọi nỗ lực và mọi phương pháp điều trị để cứu lấy cả hai, cả Gianna và em bé, một tuần sau, tức vào Thứ Bảy Phục sinh, ngày 28 tháng 4, giữa nỗi đau khôn nguôi và sau nhiều lần thốt lên rằng: “Chúa ơi, con yêu Người. Chúa ơi, con yêu mến Người.”. Gianna đã qua đời, và khi ấy bà mẹ trẻ ấy chỉ mới 39 tuổi.

Gianna Beretta Molla được Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II phong chân phước vào năm 1994, trong “Năm Quốc tế Gia đình”. 10 năm sau, ngài được chính Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II phong thánh vào ngày 16 tháng 5 năm 2004 tại Vatican. Trong thời đại, mà sự dấn thân và hiến thân tận cùng vẫn chưa được khuyến khích rộng rãi, khi mạng sống con người bị xem là rẻ rúng và cuộc sống gia đình đang bị đe dọa, khi sự phá thai được xem là quá bình thường, là lẽ tự nhiên thì sự hy sinh và đức hạnh đã không còn được đánh giá cao trong nhiều thế hệ. Khi nhiều người trong ngành Y ít quan tâm đến các nhân phẩm và sự thiêng liêng của giá trị và cuộc sống của mỗi con người, khi đau khổ bị xem như là một sự phiền toái mà không có bất kỳ ý nghĩa nào về sự cứu chuộc, khi lòng tốt và niềm vui trở nên quá đơn giản và tầm thường, rằng vẻ đẹp của lòng tốt lại bị nghi ngờ; Thánh Gianna Beretta Molla đã chứng minh cho ta thấy thế giới này bị bao trùm bởi một “nền văn hóa” của sự dữ, của tử thần. Hành động và quyết định của Gianna lúc cuối đời, trong việc ngài chọn lấy sự sống, chọn cứu lấy đứa con của mình, bé Gianna Emanuela. Quả thật, đây là một sự dũng cảm vô cùng tận. Quyết định của Gianna Beretta Molla là sự trân trọng đối với việc sinh sôi nảy nở của loài người, là đỉnh cao của một đời sống nhân đức và thánh thiện một cách phi thường, với lòng vị tha và niềm hạnh phúc thầm lặng nhưng đầy ý nghĩa.

Thánh Gianna Beretta Molla vẫn là một minh chứng sống, hằng nhắc nhở Giáo hội và toàn Thế giới về sự cần thiết của một đời sống đạo đức nhất quán, từ những giây phút đầu tiên của sự sống cho đến những giây phút cuối cùng của kiếp người. Thánh Gianna Beretta Molla là vị thánh bảo trợ cho phong trào chống phá thai của nước Ý.

“Tình yêu, yêu thương là sự lựa chọn.”.

______________
Salt and Light Catholic Media Foundation, "Ten saints of the New Millennium World Youth Day 2002 – Toronto", nguồn: https://saltandlighttv.org/wyd2002saints/?fbclid=IwAR1SCmOqwE_VystSJLvXLsfpWbgrKyBMSLB5FVnJIlUylt-t-LUx253hbfMngày truy cập 19/11/2020

Nhận xét

Bài đăng phổ biến