10 LỜI KHUYÊN CỦA ĐỨC THÁNH CHA BÊNÊĐICTÔ XVI ĐÃ LÀM THAY ĐỔI CUỘC ĐỜI TÔI

Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI thường chia sẻ về sự gần gũi hay sự gắn kết mật thiết của Chúa Giêsu Kitô trong đời sống của người tín hữu. Vì thế, tôi luôn khao khát những lời giáo huấn của ngài trở nên một phần mật thiết trong đời sống thường nhật của chính mình.

Tôi yêu mến Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI. Rằng khi đọc và suy gẫm về những gì ngài viết, tư duy của tôi được triển nở hơn với góc nhìn một thêm sâu sắc. Và sau đây là 10 lời huấn từ của ngài đã giúp cuộc đời tôi thực sự được biến đổi.

Thứ nhất: Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã đặt tên cho nỗi sợ của tôi và giúp tôi vượt qua nó.

Trong Thánh lễ khai mạc thừa tác vụ Phêrô của mình, điều mà Đức Bênêđictô XVI đã nói về Đức Gioan Phaolô II là điều mà trước đây tôi chưa từng nhận thấu:

“Những lời của ngài trong dịp đó giờ vẫn luôn vang lên bên tai tôi: “Xin đừng sợ! Hãy mở rộng các cửa cho Chúa Kitô!”… Thử hỏi chúng ta chẳng lẽ không lo sợ cách này hay cách khác hay sao?... Nếu chúng ta để cho Chúa Kitô bước vào cách trọn vẹn trong đời sống chúng ta, nếu chúng ta mở rộng hoàn toàn chính mình để tiếp rước ngài, thì thử hỏi chúng ta có sợ rằng Ngài sẽ lấy đi điều gì đó ra khỏi chúng ta hay không? Có thể chúng ta đang lo sợ phải bỏ đi điều gì đó có ý nghĩa, điều gì đó duy nhất, điều gì đó làm cho cuộc sống này trở nên tươi đẹp, có phải vậy không?...”
“Không! Ai chấp nhận cho Chúa Kitô bước vào trong cuộc đời họ, thì người đó không mất đi điều gì cả, tuyệt đối không mất điều gì làm cho cuộc đời được tự do, tươi đẹp và cao cả. Không!… Dựa trên những năm dài kinh nghiệm cá nhân về cuộc sống, cha nói với chúng con rằng: chúng con đừng sợ Chúa Kitô. Chúa không đến lấy mất đi điều gì cả, nhưng ban cho đủ mọi sự.”
Thứ hai: tôi đã thực hiện triết lý về phụng vụ Thánh của ngài.

Trong diễn từ đầu tiên của mình với tư cách là Giáo hoàng, Đức Bênêđictô XVI đã chia sẻ, rằng ngài xác tín sự qua đời của Đức Gioan Phaolô II vào giữa năm Thánh Thể là điều thật đặc biệt và quan trọng của Giáo hội, và ngài đã chỉ thị rằng:

“Tôi yêu cầu tất cả hãy gia tăng trong những tháng tới đây tình thương và lòng sùng mộ đối với Chúa Giêsu Thánh Thể và hãy tỏ ra cách can đảm và rõ ràng đức tin vào sự hiện diện thật của Chúa, nhất là qua những cử hành uy nghiêm và đúng quy luật.”
Đây là một phương cách hiệp nhất tuyệt vời cho Giáo hội cho đến ngày nay.

Thứ ba: ngài đã hướng dẫn tôi biết yêu mến Thiên Chúa, vì Thiên Chúa yêu tôi.

Đã có nhiều trích dẫn về thông điệp đầu tiên của Đức Bênêđictô XVI - Deus Caritas Est về việc: “Khởi đầu cho cuộc sống Kitô hữu không phải là một quyết định đạo đức hay một tư tưởng vĩ đại, nhưng là sự gặp gỡ.”.
Tôi yêu thích điều ấy vô cùng. Nhưng, thậm chí là hơn cả điều ấy, tôi yêu thích “điều thứ hai” mà ngài đã đề cập đến ngay sau đó, rằng: “Thiên Chúa yêu thương con người… Hơn nữa, tình yêu của Ngài là tình yêu tự hiến cho... Thiên Chúa yêu thương con người, và tình yêu của Ngài, như chúng ta đã nói, eros của Thiên Chúa đối với con người cũng hoàn toàn là agape.”.

Ngài nói, Thiên Chúa yêu thương con người tha thiết đến nỗi mà các ngôn sứ “đã diễn tả đam mê của Thiên Chúa đối với dân Người bằng những hình ảnh từ ái táo bạo”.

Thật tuyệt vời biết mấy!

Thứ tư: Đức Bênêđictô XVI đã cho tôi biết được những điều mà Đức Phanxicô mong muốn.

Tôi đã có được ý tưởng để viết nên cuốn sách “Những điều Đức Thánh Cha Phanxico thực sự muốn nói” (What Pope Francis Really Said) khi công chúng than phiền về cuộc phỏng vấn của ngài tại Mỹ vào năm 2013, Đức Phanxicô đã cho rằng một số giáo huấn của Giáo hội là những “quy tắc có phần hạn hẹp” và bạn tôi – Rebecca Teti, một người vô cùng yêu mến Đức Bênêđictô đã khiến tôi chú ý đến những lời chia sẻ sau đây của Đức Bênêđictô và đó tựa như chính lời mà Đức Phanxicô thực sự muốn chia sẻ:

“Chúng ta không nên để đức tin của mình bị cạn kiệt đi bởi quá nhiều cuộc tranh luận phức tạp, về những chi tiết vụn vặt, nhưng thay vào đó, tự ban đầu, chúng ta nên hằng hướng mắt đến sự cao cả của Kitô giáo. Tôi thường được yêu cầu trả lời phỏng vấn và tôi luôn biết trước được các câu hỏi. Họ quan tâm nhiều đến việc truyền chức cho người phụ nữ, về việc ngừa thai, phá thai và những vấn đề không ngừng tái diễn khác. Nếu chúng ta để mình bị lôi cuốn vào những cuộc tranh luận này… chúng ta sẽ tự tạc chính mình nên như các nhà đạo đức học với những niềm tin có phần cổ hủ, và thậm chí là không có chút điều gì cao cả thực sự mang dáng dấp của đức tin.”
Thứ năm: Tôi đã chia sẻ với các sinh viên của mình suốt 13 năm qua về định nghĩa “Tình bạn hữu với Chúa Giêsu” của Đức Bênêđictô.

“Thiên Chúa định nghĩa tình bạn theo hai cách”, ngài nói. Thứ nhất là sự đối thoại, hiệp thông và cầu nguyện, “Bởi nơi tình bạn thì không có bí mật nào cả.”. Thứ hai, theo định nghĩa về tình bạn hữu của người Roma – “idem velle – idem nolle” (nghĩa là “cùng thích và cùng không thích”); vậy để trở nên người bạn hữu của Chúa Giêsu, ta cần thực thi Thánh ý của Người.

Sau này, Đức Bênêđictô cũng đã chia sẻ điều này cách dịu dàng hơn: “Chúa Giêsu “không chỉ là một người thầy mà còn là một người bạn, nhưng, hơn thế nữa, Người là anh em của chúng ta. Làm sao chúng ta có thể biết về Người nếu chúng ta giữ khoảng cách với Người? Sự gần gũi, thân thuộc và sự hiểu biết về Người giúp chúng ta khám phá ra danh tính thực sự của Chúa Giêsu Kitô.”
Thứ sáu: Đức Bênêđictô đã giúp tôi thay đổi cách hiểu của mình về nạn lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên.

Đã có nhiều bài viết về hồ sơ mạnh mẽ, dày đặc của Đức Bênêđictô với tư cách là cơ quan giám sát nạn lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên trong Giáo hội, một hồ sơ tuy chưa hoàn chỉnh nhưng đã bị vu khống cách bất công. Tuy nhiên, khi tôi đưa tin về chuyến tông du đến Hoa Kỳ của ngài vào năm 2008, rằng điều mà ngài nói trong cuộc tiếp kiến với các giám mục tại đây đã làm thay đổi toàn bộ sự hiểu biết của tôi về vấn đề này:

“Nói về việc bảo vệ trẻ em có nghĩa lý gì khi mà dâm ô và bạo lực người ta có thể xem thấy trong quá nhiều gia đình, qua các phương tiện truyền thông rất phổ biến ngày nay? Chúng ta cần khẩn trương định giá lại các giá trị nhân bản nền tảng cho xã hội, để có thể mang đến một sự hình thành đạo đức cách lành mạnh cho giới trẻ cũng như người lớn.”
Nạn lạm dụng tính dục nơi các linh mục là sự kiện có thật và vẫn cần được lưu tâm để ý. Nhưng Đức Bênêđictô đã giúp tôi nhận ra rằng nạn lạm dụng tính dục giáo dân mà trong đó là sự ngây thơ của trẻ em bị hủy hoại, phẩm giá người phụ nữ bị bôi nhọ, và nạn mại dâm (hay buôn bán tính dục) được khởi động - là một cuộc khủng hoảng ngày càng lan rộng khắp toàn cầu và rất cần sự phản ứng cách mạnh mẽ hơn nữa từ mọi khía cạnh của toàn thể nhân loại.

Thứ bảy: Đức Bênêđictô đã giúp tôi thêm đổi mới mối quan hệ của mình với thiên thần bản mệnh của chính tôi, khi Đức Thánh Cha bị gãy tay vào năm 2009.

Tôi vốn có niềm tin có phần khá lý trí về các thiên thần bản mệnh, nhưng tôi đã bị đánh động sâu sắc bởi cách mà Đức Bênêđictô đã chỉ ra rằng thiên thần bản mệnh của ngài chắc hẳn đã có “lệnh truyền từ Thiên quốc” để cho ngài bị gãy tay như vậy.

Ngài chia sẻ:
“Có lẽ Thiên Chúa muốn dạy tôi rằng tôi còn phải học sống kiên nhẫn thêm, đồng thời, Ngài cho tôi nhiều thời gian hơn để cầu nguyện và suy niệm.”
Tôi yêu mến điều này.

Thứ tám: Tôi đã “dâng lên hết thảy mọi thứ” một cách hân hoan sau khi đọc thông điệp Spe Salvi của Đức Bênêđictô.

“Trước đây thường có một hình thức đạo đức – có lẽ ít được thực hành ngày nay nhưng đã rất phổ biến trước đây không lâu – trong đó bao gồm ý tưởng “dâng lên” những lao nhọc nhỏ hàng ngày thường xuyên quấy nhiễu chúng ta như “những cú thọc mạnh” phiền toái, qua đó ban cho chúng một ý nghĩa… Dâng lên có nghĩa là gì? Những ai thực hành hình thức đạo đức này đều tin là họ có thể đóng góp những phiền nhiễu nhỏ này vào cuộc “đồng-thương khó” vĩ đại của Chúa Kitô để cách nào đó họ trở nên một phần của kho tàng trắc ẩn rất cần của nhân loại.” – ngài viết.
Amen.

Thứ chín: Khi nói về thông điệp Spe Salvi, Đức Bênêđictô giúp tôi hiểu được về Thiên đàng.

Đức Bênêđictô đã phê bình về cách nghĩ Thiên đàng nghe có vẻ thật “vô tận, và khi bàn về Thiên đàng làm chúng ta sợ hãi.”, hay giống như là “chuỗi vô hạn những ngày tháng kế tiếp nhau của thời gian”. Thay vào đó, ngài đã chia sẻ rằng:

“Thiên đàng là điều gì đó giống giây phút tột cùng của thỏa mãn hơn, trong đó tổng thể ôm lấy chúng ta và chúng ta ôm lấy tổng thể… Nó giống như là nhào vào đại dương của tình yêu vô hạn, một thời khắc trong đó thời gian – trước và sau – không còn hiện hữu nữa… Đó là một sự nhận chìm mới mẻ chưa từng có vào trong cõi bao la của nhân sinh, trong đó chúng ta ngập tràn niềm vui.”.
Một lần nữa, thật tuyệt vời có phải không?!

Thứ mười: Tôi yêu mến cách ngài đã chia sẻ cùng con trẻ rằng hãy nói với cha mẹ của chúng hãy cùng nhau đến tham dự Thánh lễ.

Sau cùng, tôi không thể không đề cập đến cuộc gặp gỡ đầy tuyệt vời giữa Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI với các trẻ em được Rước Lễ lần đầu. (Trong cuộc gặp gỡ ấy), ngài đã hướng dẫn bọn trẻ cách thuyết phục cha mẹ của chúng về việc gia đình hãy cùng nhau tham dự Thánh lễ (đặc biệt là Thánh lễ Chúa Nhật):

“Kính gửi mẹ yêu dấu và cha yêu dấu của con, việc gặp gỡ Chúa Giêsu Kitô rất quan trọng đối với tất cả chúng ta, đối với cha, với mẹ và với con nữa. Cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu làm chúng ta được nên dồi dào phong phú. Và điều này vô cùng quan trọng trong đời sống của gia đình mình. Chúng ta hãy dành một chút thời gian bên nhau. Gia đình mình sẽ tìm được cơ hội ấy! Và biết đâu, đây cũng là phương cách liên hệ (hay hiệp thông) đến nơi mà bà nội (bà ngoại) đang ở…”
Quả thật, phần “bà ngoại (bà nội)” mà ngài đề cập đến là một sự đánh động đầy tươi sáng. Xin cảm ơn Đức Thánh Cha Bênêđictô!

Maria Ngọc Tỷ chuyển ngữ
Nguồn: “10 Benedict quotes that changed my life”, Tom Hoopes, aleteia.org, đăng tải ngày 04/01/2023, truy cập ngày 08/01/2023
Bài viết trực thuộc: Fanpage Facebook Trang Hỏi Đáp Tôn Giáo, https://www.facebook.com/hoidaptongiao/

Nhận xét

Bài đăng phổ biến