7 bước theo khuôn mẫu vẹn toàn để ta được thăng tiến trong sự thánh thiện


Đây là 7 bước theo khuôn mẫu vẹn toàn để ta được thăng tiến trong sự thánh thiện.

Cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu đưa ra một khuôn mẫu cho sự thăng tiến đời sống thánh thiện của con người, và cho họ thấy được những thách thức mà họ phải vượt qua để ngày càng nên thánh thiện.

Việc Philatô liên tục đi ra và đi vào dinh tổng trấn của mình - khoảng 7 lần - tượng trưng cho sự do dự và thiếu quyết đoán mà con người chúng ta thường có đối với Chúa Giêsu.

Mỗi Thứ Sáu Tuần Thánh, chúng ta được diễm phúc nghe lại trình thuật Bài Thương Khó của Chúa Giêsu trích tự Tin Mừng theo thánh Gioan. Chính Cuộc Thương Khó của Người đã đưa ra một khuôn mẫu vẹn toàn cho sự thăng tiến đời sống thánh thiện của con người, và cho con người thấy được những thách thức mà chúng ta phải vượt qua để đạt được sự thánh thiện ấy.

1. Sự hoán cải được diễn ra theo mức độ của lòng ước muốn

Không phải ngẫu nhiên mà những lời đầu tiên của Chúa Giêsu trong Trình thuật Thương khó lại lặp lại những lời mở đầu của Người trong phần đầu của Tin Mừng theo thánh Gioan. Trong Cuộc Thương Khó của Người, Chúa Giêsu đã hỏi Giuđa và toán quân rằng: “Các anh tìm ai?” (Ga 18, 4); và mở đầu bài Tin Mừng, Chúa Giêsu cũng đã hỏi các môn đệ của ông Gioan Tẩy Giả đến với Người rằng: “Các anh tìm gì thế? (Ga 1, 38). Và hẳn nhiên, câu trả lời nơi cả hai trường hợp này đều tương tự nhau, rằng, họ cùng tìm: chính Chúa Giêsu.

Tại sao Người lại đặt câu hỏi này? Bởi, sự hoán cải của chúng ta được diễn ra theo mức độ của lòng ước muốn Thiên Chúa – Chúa Giêsu Kitô chính là Thiên Chúa. Và rằng, chúng ta không thể đón nhận mầu nhiệm Thương Khó nếu chúng ta không nhận thức được ước muốn sâu xa nhất của chính mình, hay nhìn nhận ra rằng mọi khát khao thẳm sâu của con người là sự kêu gào thống thiết việc Con Người sẵn sàng chịu chết trên thập tự giá vì tội lỗi của toàn thể nhân loại.

Lòng khát khao hay lòng ước muốn là một món quà mà Thiên Chúa trao ban cho con người để chúng ta có thể nhận biết được Chúa Giêsu Kitô là ai và để chúng ta hiểu được mục đích cuộc đời mà chúng ta đang sống.

Nhưng liệu, chúng ta có khao khát hay ước muốn Thiên Chúa đủ không? Một nữ tu thuộc cộng đoàn thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu thành Lisieux đã kể lại một câu chuyện về cuộc đối thoại thiêng liêng của thánh nữ với một nữ tu khác trong dòng Cát Minh của mình, rằng thánh nữ đã “bào chữa cho điều trổi vượt hơn những đòi hỏi về sự công minh chính trực của Thiên Chúa” trước sự lãng tránh lòng thương xót vô biên của Ngài. Khi cuộc đối thoại đi vào ngõ cụt, thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu đã kết thúc bằng câu nói:

“Chị ơi, nếu chị ước muốn sự công minh chính trực của Thiên Chúa, chị sẽ nhận được sự công chính ấy của Ngài. Bởi linh hồn ta sẽ nhận được chính xác những gì mà nó mong đợi từ Thiên Chúa.”.

2. Đối diện với sự hư không của tội lỗi

Xuyên suốt Phúc âm, Chúa Giêsu đã hằng tuyên xưng Ta là Sự Sáng Thế Gian, Ta là Bánh Hằng Sống, Ta là Mục Tử Nhân Lành, Ta là Sự Sống Lại và là Sự Sống,… Và khi Con Một của Thiên Chúa tiếp tục thừa nhận về căn tính thiêng liêng “Ta là” của mình khi đứng trước cuộc tra hỏi của vị thượng tế, thì Simôn Phêrô đứng cách đó không xa, đã tuyên bố cách công khai rằng Tôi “đâu phải!” (Ga 18, 17.25.27). Chính sự kết hợp và đối chiếu có phần châm biếm giữa việc tuyên xưng của Chúa Giêsu và sự chối bỏ về căn tính thật của chính mình nơi Simôn Phêrô, là tượng trưng cho sự sa đọa của con người trong tội lỗi.

Thánh Catarina thành Siena cho chúng ta một chỉ dẫn đầy hữu ích khi đối diện với điều này:
“Đây là phương thuốc cho sự sợ hãi: rằng chúng ta – những thụ tạo, chúng ta nhận ra rằng bản thân mình chẳng là gì cả, hơn nữa, chúng ta liên tục thực hiện những điều hư không đó là tội lỗi, và rằng mọi thứ khác mà chúng ta có được là từ Thiên Chúa. Một khi chúng ta nhận thức được chính mình, chúng ta cũng nhận biết được lòng lân tuất của Thiên Chúa đối với chúng ta.”

Chính Phêrô đã làm điều đó. Dẫu rằng trên thực tế, ông đã phạm tội giống như Giuđa Iscariốt cũng đã phạm tội, nhưng Phêrô không để cho sự khước từ hay chối bỏ Thiên Chúa nơi mình khiến ông tuyệt vọng. Phêrô càng thực sự nhận thức rằng ông không ở bên ngoài Thiên Chúa – “Tôi đâu phải!” – thì ông lại càng khát khao mọi sự, mọi điều chỉ có trong Chúa Giêsu Kitô.

Sau 3 lần Phêrô chối bỏ căn tính của chính mình, ông đã đảo ngược lại cách hoàn toàn bằng việc tuyên xưng ba lần với Chúa Giêsu Phục Sinh rằng:
Thầy biết, con yêu mến Thầy!

3. Cám dỗ và sự chống lại cám dỗ

Việc thánh sử Gioan đã cố ý thuật lại trong Tin Mừng của mình bao hàm cả các chỉ dẫn chi tiết về việc Philatô liên tục đi ra và đi vào dinh tổng trấn của mình – được chỉ ra khoảng 7 lần – tượng trưng cho sự do dự và thiếu quyết đoán mà con người chúng ta thường có đối với Chúa Giêsu. Sự cám dỗ về mọi thứ bởi thế gian và tư tưởng trần tục của con người mà chúng ta thường gặp phải, ngăn cản chúng ta đến với Sự Thật.

Dẫu thế, khi tổng trấn Philatô đặt câu hỏi: Vậy, “Sự thật là gì?” (Ga 18, 38) và rằng có thể đây không phải là một sự giễu cợt, mà là một câu hỏi đầy chân thành. Và như ta biết đấy, tổng trấn Philatô cũng chỉ là người đưa ra lệnh quyết cuối cùng theo yêu cầu của hàng kỳ mục và dân chúng; “Đây là người!” (Ga 19, 5) – chính Chúa Giêsu – Con Người tượng trưng cho một Ađam mới, một Con Người hoàn hảo và vô tội, một con người công chính nguyên tuyền của Đấng Tạo Hóa được đặt trên trái đất để trở nên nguồn mạch của sự sống và nên hình mẫu vẹn toàn của mọi thụ tạo.

Lời tuyên bố của tổng trấn Philatô: hãy nhìn xem những gì mà các ngươi làm với con người nguyên thủy được Đấng tạo hóa tạo dựng, con người ấy bị tra tấn, bị chửi rủa, bị nhạo báng và bị đội mão gai. Rằng đây cũng chính là những gì mà con người đã làm với chính mình.

Và Con Người này – chính Chúa Giêsu – Người đã và đang tự gánh lấy hết thảy những điều ấy. Chính nơi Người mà toàn thể nhân loại tìm được ơn cứu độ. Và rằng chính ngay lúc này là cơ hội để con người chúng ta được biến đổi sự cám dỗ với niềm xác tín.
Tổng trấn Philatô cũng đã tuyên bố rằng: “Đây là vua các người!” (Ga 19, 14), điều đó có nghĩa là chính Chúa Giêsu là Đấng hạ bệ hay truất quyền mọi sự nơi trần gian, và là trung tâm của toàn thể vũ trụ. Sự Thật nắm giữ hết thảy chúng ta, hết thảy tất cả và Người sẽ biến đổi những gì vốn khó chữa trị ngay nơi mỗi con người khi con người tiến gần đến để chiêm ngắm Đức Vua thực sự của chính mình; thay vì họ cứ ngoan cố trong suy nghĩ và hiểu biết trần tục của chính họ.

4. Thánh thiện có nghĩa là thuộc về (có cảm thức thuộc về)

Vào ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, chúng ta được cùng hiệp nhất với Chúa Giêsu trong cơn hấp hối của Người: “the agon Christi - cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu Kitô - cuộc chiến đấu của chính Người trên thập tự giá và trong hỏa ngục để chống lại quyền lực của tử thần” (Georges Bernanos - nhà văn Pháp). Từ gốc của từ “agony” là agon, có nghĩa là “hội đồng/ cộng đoàn/ hội nghị...”. Và “agon” là mọi người tập hợp, quy tụ lại để cùng tham gia một cuộc thi hay một thử thách, hoặc một trận chiến hay một cuộc đấu tranh, và chính khi đó, “một cộng đoàn” cùng tập hợp lại nhằm mục đích giành lấy sự chiến thắng.

Từ trên thập tự giá, Chúa Giêsu truyền trao lại cho tông đồ Gioan – đại diện cho toàn thể Giáo Hội, “Đây là Mẹ của anh” (Ga 19, 27). Chúa Giêsu Kitô trao ban tặng phẩm quý giá - Đức Trinh Nữ Maria cho chúng ta là hiện thân của Giáo Hội của Người.

Người trao ban cho chúng ta Mẹ Maria – Mẹ của Người, để chúng ta cùng được thuộc về Thiên Chúa và cùng thuộc về nhau. Đức tin Kitô chính là sự sống, và “Mẹ Maria là Mẹ của Sự Sống, mà từ nơi Mẹ tất cả mọi người có được sự sống: trong việc tự mình hạ sinh sự sống này, một cách nào đó Mẹ tái sinh tất cả những ai đã sống sự sống ấy.” (Chân phước Guerric ở Igny).

5. Hãy ôm lấy mầu nhiệm của khổ đau

Một tên lính lấy ngọn giáo đâm thủng cạnh sườn Chúa Giêsu. “Ân sủng thường được tỏ hiện thông qua đau khổ” (Giám mục John Carroll). Chúng ta có thể mong muốn một thế giới không có đau khổ. Nhưng hãy cẩn trọng với điều này.

“Ta có thể giới hạn đau khổ, chiến đấu chống lại nó, nhưng không thể loại trừ nó. Chính khi chúng ta cố gắng tránh khổ đau bằng cách rút lui khỏi những gì có thể gây thương tổn, khi ta không muốn phí sức hoặc tránh nỗi đau trong việc đeo đuổi sự thật, tình yêu, và điều thiện, thì lúc đó chúng ta đã để mình trôi dạt vào cuộc sống trống rỗng. Bất cứ ai luôn trốn tránh khỏi đau khổ đều không dễ cảm thông cho người khác; họ dần trở nên chai đá và ích kỷ.” (Thông điệp Spe Salvi của Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI về niềm hy vọng Kitô giáo).

Hiện tượng thờ ơ, lãnh đạm không đơn thuần hay hoàn toàn chỉ bởi do tính vô cảm, lãnh đạm nơi con người; mà đó là sự ghét bỏ khổ đau và không nhận ra được ơn ích thiêng liêng mà đau khổ mang lại. “Sự suy nhược nơi tâm hồn bao hàm cả sự thờ ơ, tức, tâm hồn ấy đánh mất khả năng chịu đựng” (Georges Bernanos - nhà văn Pháp). “Họ sẽ nhìn lên Đấng họ đã đâm thâu” (Ga 19, 37). Nếu chúng ta dám hướng mắt lên Đấng bị đâm thâu trên thập giá, thì “việc chiêm ngắm, ưu tư trong những đau khổ của kiếp người có thể kéo con người lên hướng về Thượng đế” (nữ triết gia Simone Weil).

“Các vết thương của Chúa Giêsu cho chúng ta lựa chọn, hoặc là ta cùng bị kết án với những kẻ đã gây ra các vết thương cho Người và đâm thâu vào cạnh sườn Người, hoặc là ta ăn năn thống hối và bước vào cạnh sườn rộng mở của Chúa Giêsu Kitô để nhờ đó, và cũng vì chính nơi đó đã trở nên chốn tựa nương cho ta được nghỉ ngơi, bồi dưỡng.” (Thánh Tôma Aquinô).

Vì “Thiên Chúa đã làm linh hồn phải chịu đau thương, và đây chính Con Một của Ngài đã mang lấy năm dấu thương tích ấy, và nhờ dấu tích Thánh này mà chúng ta được giải thoát.” (Thánh Grêgôriô ở Nyssa).

6. Kết hiệp với Thiên Chúa

Ông Giô-xép A-ri-ma-thê cùng ông Ni-cô-đê-mô đã nhận lấy thi hài Chúa Giêsu hạ xuống trên thập tự giá, và đây cũng chính là những gì chúng ta thực hiện trong khi hiệp thông Thánh Thể, hay Rước Mình Thánh Chúa.

Bí tích Thánh Thể là sự hiện diện thực sự nhất của Chúa Giêsu Kitô trên trần thế. Đây chính là lý do vì sao ta cần hoàn toàn quy phục Bí tích cao trọng này mà không e dè hay ngờ vực. Nhưng khi chúng ta bị dằn co bởi sự hoài nghi, hay đau khổ, hoặc bởi những rối ren của thân xác và linh hồn con người, giữa những xáo trộn tồi tệ nhất nơi tâm trí và tâm hồn chúng ta,… Rằng, khi ta Rước lấy Mình Thánh Chúa với lòng tín thác và sự tôn kính chân thành, ta sẽ được cứu độ.

Rằng không phải người ta sẽ rời bỏ Thánh Thể khi dường như mọi sự bị đoạt mất đi, mà trái lại, chính khi dường như tất cả bị tước đoạt thì con người càng cần được bồi dưỡng bởi Thánh Thể và cậy trông vững vàng vào những lời hứa trọng thể của Thiên Chúa, và lời hứa của Ngài được lặp đi lặp lại xuyên suốt chiều dài lịch sử cứu độ. (Thi hào người Pháp - Francois Mauriac).

Vì “so với lòng khát khao được hiệp thông mật thiết với Thiên Chúa thì những mưu cầu khác nơi con người có đáng là chi.” (Thánh Irênê).

7. Hãy thận trọng với trái tim mình

Họ đặt Chúa Giêsu ở đó vì ngôi mộ ở gần đó. Ngôi mộ thực sự là một nhà tạm, và chính đây là một nơi tôn thờ, vì “Trong thời gian Đức Ki-tô nghỉ yên trong mồ, Ngôi Vị Thiên Chúa của Người vẫn tiếp nhận hồn và xác bị cái chết tách rời. Đó là lý do thân xác của Đức Ki-tô đã chết mà “không phải hư nát” (Cv 13,37)”. (SGLHTCG số 630).

Vì thế, dẫu cho hoàn cảnh có khốn khổ và tuyệt vọng đến thế nào, thì sự hiện diện thực sự của Chúa Giêsu Kitô trong ngôi mộ, trong nhà tạm ấy chính là dấu chỉ niềm hy vọng cho chúng ta. Chúng ta hãy đến với tảng đá được lăn ra khỏi ngôi mộ trống:

Với thân phận con người hữu hạn, ít nhất là một lần trong đời, chúng ta nghĩ rằng mình đang dần chìm sâu và chạm đáy vực thẳm. Chúng ta ảo tưởng rằng mọi thứ đã bị tước đoạt mất khỏi chúng ta cùng một lúc, một cảm giác bị tước đoạt hoàn toàn. Song, đó lại chính là một dấu chỉ thiêng liêng, rằng không phải thế đâu, trái lại, mọi thứ chỉ mới bắt đầu mà thôi. (Georges Bernanos - nhà văn Pháp).

Đối diện với sự chết trong ngôi mộ trống của Chúa Giêsu Kitô, chúng ta được dạy về cách đối diện với sự chết của con người. “Cuộc sống của con người đạt đến sự viên mãn nhờ việc nối tiếp chuỗi nhiều sự chết đi.” (Thánh Basil Cả). Và “sự khốn cùng thực sự của những kẻ cùng khốn chỉ dẫn đưa họ về với Thiên Chúa mà thôi” (Thần học gia Von Balthasar).

Hãy nhớ rằng: “Mọi người khi đến mộ của Người đều buồn bã, mỏi mệt và thất vọng... nhưng rồi, họ đã chạy đi loan báo Tin Mừng Phục Sinh.” (Mẹ Elvira Petrozzi).

Maria Ngọc Tỷ chuyển ngữ
Nguồn chuyển ngữ: “Here’s a 7-step pattern for growing in holiness”, Fr. Peter John Cameron, OP, aleteia.org, đăng tải ngày 01/04/2023, truy cập ngày 02/04/2023.
Nguồn đăng tải bài viết: “Đây là 7 bước theo khuôn mẫu vẹn toàn để ta được thăng tiến trong sự thánh thiện”, Fanpage Trang Hỏi Đáp Tôn Giáo, ngày đăng tải 03/04/2023.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến