3 VỊ THÁNH ĐÃ CÓ THỂ MẮC CHỨNG "RỐI LOẠN PHỔ TỰ KỶ"

Rằng, những vị Thánh này đã phải chiến đấu rất nhiều với những khó khăn trong hành vi của mình, nhưng giữa hết thảy những sự ấy, họ vẫn kiên tâm, vâng theo Thánh ý của Thiên Chúa.


Rối loạn phổ tự kỷ (ASD – Autism Spectrum Disorder) gây ảnh hưởng đến hàng triệu người trên toàn thế giới, và ngày càng có nhiều người lớn và trẻ em được chẩn đoán mắc chứng bệnh này mỗi năm. Tình trạng đặc trưng của chứng bệnh này biểu hiện ở “những thiếu hụt hay khó khăn trong tương tác xã hội, trong khả năng giao tiếp bằng lời nói và giao tiếp phi ngôn ngữ, cùng các hành vi được lặp đi lặp lại.”.

Trong quá khứ của mình, những cá nhân mang lấy những đặc điểm của chứng rối loạn phổ tự kỷ thường rất hay bị hiểu lầm và bị đối xử cách tệ bạc. Họ bị xem là khác biệt, “kỳ dị”, hoặc trong những trường hợp nghiêm trọng, họ có thể đã bị nhốt vào một trại tâm thần.

Tuy nhiên, với tất thảy những vật lộn hay chiến đấu khi mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ ấy, chúng ta vẫn có niềm hy vọng rằng những khiếm khuyết rõ rệt nơi chúng ta có thể được thông phần kết hiệp với thập tự giá của Chúa Giêsu Kitô, và được nâng lên để trở nên ích lợi lớn lao cho tha nhân. Và trong nhiều thế kỷ qua, đã có nhiều vị Thánh đã phải chiến đấu rất nhiều với những khó khăn trong hành vi của mình, nhưng họ vẫn kiên tâm, vâng theo Thánh ý của Thiên Chúa giữa hết thảy mọi sự trong đời.

Hiện vẫn có rất ít thông tin về cuộc đời của một vị thánh khiến cho việc chẩn đoán mắc chứng bệnh tự kỷ nơi ngài trở nên khó khăn (sự thật là chúng ta cần một phạm vi đủ rộng lớn để việc chẩn đoán phức hợp một cá nhân mắc chứng bệnh này trong tình trạng tốt nhất), nhưng có một số cá nhân có khả năng được chẩn đoán dương tính với chứng bệnh này. Song, vì mục đích tốt đẹp của bài viết, đây là ba vị thánh nhân, rằng nếu họ sống ở thế kỷ 21 này, có thể họ đã nằm trong “phổ tự kỷ”.

Tu sĩ Juniper – Người Tôi Tớ của Thiên Chúa

Ngài là một trong những môn đệ đầu tiên của Thánh Phanxicô Assisi và rất được cha Thánh Phanxicô yêu mến vì sự tận tụy và lòng khiêm nhường sâu xa của ngài. Tuy nhiên, theo những ghi chép trong quyển sách “Những Bông hoa nhỏ” của Thánh Phanxicô, tu sĩ Juniper không phải khi nào cũng có thể thấu hiểu các tiêu chuẩn được chấp nhận trong tương tác xã hội.

Trong một lần đến viếng thăm một tu sĩ đang bị ốm, thầy Juniper đã hỏi người tu sĩ bị ốm ấy rằng thầy có thể giúp được gì cho vị ấy không? Và vị ấy đã xin có được một phần chân giò lợn để ăn, vì món ăn đó sẽ mang lại niềm an ủi lớn lao cho ngài. Thầy Juniper đã cảm thấy mình cần phải giúp đỡ vị tu sĩ đang bị ốm kia và ngài đã lấy một con dao trong bếp, đi vào rừng và tìm thấy một đàn lợn đang ăn. Thầy Juniper bắt được một con trong số đàn lợn ấy, ngài nhanh chóng chặt một chân của nó và chạy nhanh trở về nhà bếp để chuẩn bị món ăn cho vị tu sĩ đang bị ốm (riêng phần con lại của con lợn bị chặt một chân kia thì bị thầy Juniper để lại trong rừng). Song, thầy Juniper không hề hay biết, người chủ của đàn lợn đang đứng ngay gần đấy và chứng kiến mọi chuyện đã xảy ra với con lợn của mình, ông đã nhanh chóng đến mách cha bề trên của thầy về sự việc ấy.

Khi Thánh Phanxicô đối chất với thầy Juniper, thầy hoàn toàn bối rối không biết tại sao người chủ đàn lợn lại khó chịu với những gì thầy đã làm. Trong suy nghĩ của thầy Juniper khi đó, rằng thầy đang làm một việc bác ái và chẳng có gì là sai khi chặt chân giò của một con lợn để giúp đỡ người khác. (Khi nhận ra lỗi lầm của mình) và sau cùng, thầy Juniper cũng đã thâu phục được lòng của người chủ chăn đàn lợn đang vô cùng tức giận kia bằng sự thực thà và khiêm nhường của mình.

Và có nhiều câu chuyện khác tương tự như thế liên quan đến việc thầy Juniper thiếu hụt khả năng nhận ra các dấu hiệu hay tín hiệu của xã hội, và điều đó khiến ngài có thể nằm trong “phổ tự kỷ”. Nhưng sau hết, dẫu mang lấy những khiếm khuyết rõ rệt ấy nơi mình, câu nói của Thánh Phanxicô về thầy Juniper vẫn hoài vang vọng, rằng: “Lạy Thiên Chúa của con, ước chi con có cả một cánh rừng đầy những người như thầy Juniper để dâng lên Thiên Chúa.”.

Người Tôi Tớ của Thiên Chúa – Nữ tu Léonie Martin

Là người con giữa trong gia đình, nữ tu Léonie khá khác biệt, không ưa nhìn và ốm yếu. Mẹ của ngài, Thánh Zelie Martin đã viết trong lá thư gửi đến người chị của chồng bà rằng: “Đứa trẻ đáng thương này làm em thực sự lo lắng; bản chất con bé khá vô kỷ luật, và trí tuệ của nó cũng kém phát triển.”. Léonie nhiều lần bị đuổi học vì bị cho là ngỗ ngược và quậy phá. Và chị của thánh Zelie (nữ tu thuộc Dòng Đức Mẹ Thăm Viếng) đã phải nỗ lực rất nhiều để tìm cách dạy dỗ cô bé Léonie.

Ngay cả khi cố gắng thử mọi cách tiếp cận khác nhau để thấu hiểu con gái mình, thánh Zelie vẫn gặp những khó khăn hay thử thách với cô bé. Và trong một lá thư mà thánh Zelie đã viết, “Tôi sẽ khá hài lòng về Léonie, chỉ cần chúng ta có thể khuất phục được sự cố chấp của con bé và xoa dịu tính cách của nó, Léonie là một cô gái tốt – thành tín và không sợ những khổ đau mà con bé phải chịu đựng. Léonie có một ý chí sắc bén, khi con bé muốn đạt được điều gì đó, con bé sẽ chiến đấu đến cùng, vượt qua mọi trở ngại để đạt được mục tiêu của mình.”.

Cuộc chiến đấu của nữ tu Léonie vẫn tiếp tục trong suốt thời ấu thơ cho đến khi ngài trưởng thành. Tuy nhiên, ngài đã có thể bền đỗ và được em gái mình – Thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu khích lệ, và ngài đã học được “con đường nhỏ” để nên thánh. Với nhiều đấu tranh và thử thách về tinh thần mà nữ tu Léonie đã trải qua, Liên đoàn Léonie vì sự thăng tiến của những người mắc chứng tự kỷ đã nhận ngài làm người Bảo trợ trên Thiên Quốc cho liên đoàn.

Thánh Giuse Cupertinô

Trong suốt cuộc đời dương thế của mình, Thánh Giuse Cupertinô đã bị mọi người hiểu lầm và chế giễu rất nhiều. Những cảnh tượng và những cơn giận dữ bộc phát cách đột ngột càng khiến ngài trở thành đối tượng bị người đời chế giễu. Ngoài ra, ngài còn rất đãng trí, vụng về và cực kỳ nhạy cảm với môi trường xung quanh. Khi chuông vào học reo lên, Thánh Giuse thường hay nhảy cẩng lên và đánh rơi các sách vở xuống đất.

Ở trường học, Thánh Giuse được đặt cho biệt danh là “kẻ há hốc mồm” vì miệng của ngài luôn há hốc. Ngài không thể đọc cách chính xác hoặc khó mà tập trung, và cũng thường hay bỏ bữa vì quên mất. Tuy nhiên, dẫu cho chẳng mấy tiến bộ trong con đường học vấn, nhưng dường như ngài lại không mấy bận tâm hay quá chú ý về điều đó, mặc cho những thiếu sót hay khiếm khuyết nơi mình, ngài vẫn nỗ lực tìm cách xin vào một tu viện. Ngài nghĩ rằng, ít nhất ngài vẫn có thể đi xin của ăn là bánh mì cho anh em nhà Dòng với tư cách là một tu sĩ dòng Phanxicô.

Song, điều này cũng chẳng mấy suôn sẻ cho ngài. Cộng đoàn không hiểu cho ngài và việc ngài không thể hoàn thành các nhiệm vụ đơn giản mà lại không làm hỏng một thứ gì đó, và mọi thử nghiệm cho ngài đều trở nên quá khó xử lý. Ngài bị trục xuất ra khỏi tu viện, nhưng vì không còn nơi để trở về, ngài lại quay về và cầu xin cộng đoàn rằng ít nhất hãy thuê ngài như một người giúp việc. Các tu sĩ dòng Phanxicô đã bằng lòng, các vị ghi danh ngài vào Dòng Ba và giao cho ngài nhiệm vụ coi sóc các con la của tu viện.

Phong thái vui vẻ của Thánh Giuse đã được lan truyền và dần theo thời gian, cộng đoàn đã cho ngài cơ hội thứ hai và cho phép ngài hòa nhập cách chính thức. Thánh Giuse Cupertinô cuối cùng đã được thụ phong linh mục và nên nổi tiếng với khả năng bay bổng trong khi dâng Thánh lễ (đến độ, mọi người phải buộc một sợi dây thừng quanh chân của ngài để ngài không bay lên trần nhà). Mặc dù ngài khá ít học, hay lúng túng trong các tình huống tương tác xã hội và thiếu hụt khả năng hoàn thành các nhiệm vụ cơ bản, nhưng Thánh Giuse Cupertinô vẫn được nhiều người biết đến với lòng mộ đạo, sự giản dị thực thà và khiêm hạ.

Maria Ngọc Tỷ chuyển ngữ
Nguồn: “3 Saints who may have had autism spectrum disorder”, Philip Kosloski, aleteia.org, đăng tải ngày 08/02/2017, truy cập ngày 21/07/2023

Nhận xét

Bài đăng phổ biến