Với bức ảnh: 3 Đức Thánh Cha tại Auschwitz

Lạy Chúa, xin thứ tha cho biết bao tàn ác... Thiên Chúa đã ở đâu trong những ngày ấy? Tại sao Ngài lặng im?... Từ dịch bệnh, từ nạn đói, từ lửa thiêu đốt và từ chiến tranh... và lại từ chiến tranh, xin cứu thoát chúng con, lạy Chúa.

Hai vị Giáo hoàng là Đức Gioan Phaolô II đến từ Ba Lan và Đức Bênêđictô XVI đến từ Đức đều đã lần lượt sống trong Thế chiến thứ II từ sâu thẳm những trải nghiệm cá nhân và gia đình của các ngài. Theo bước hai vị, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ưu tiên chuyến viếng thăm tại Auschwitz (trại giam Auschwitz).

Auschwitz được giải phóng vào ngày 27 tháng 1 năm 1945. Và đây là ngày được đánh dấu hằng năm mà toàn thế giới cùng tưởng niệm các nạn nhân Do Thái trong Thế chiến thứ II (Tưởng niệm cuộc thảm sát Holocaust - Holocaust Remembrance Day).

ĐTC Phanxicô: Lạy Chúa, xin thứ tha cho biết bao tàn ác.

Ngài đã đến thăm Auschwitz vào năm 2016. Đức Phanxicô đã dừng lại, thinh lặng và cầu nguyện tại quảng trường Roll Call - nơi mà các tù nhân bị treo cổ và cũng là nơi mà thánh Maximilian Kolbe đã hiến mạng sống mình để đổi lấy mạng sống cho một tù nhân khác.

Sau khi được đón tiếp bởi Bề trên Tổng quyền và Giám tỉnh tỉnh Dòng Phanxicô tại cửa "phòng giam đói" - nơi tử đạo của thánh Maximilian Kolbe. ĐTC Phanxicô đã một mình bước vào phòng giam số 18 tại tầng hầm khu 11 - nơi mà linh mục người Ba Lan đã qua đời. Giam đói là một trong nhiều hình thức tử hình tại trại tập trung Auschwitz. Các tù nhân từ những khu hoặc nhóm lao động có một tù nhân đã trốn thoát sẽ bị tống vào phòng giam đói của trại và chịu chết dần dần. Nơi phòng giam của thánh Maximilian Kolbe, hiện có một tấm bia kỷ niệm và một ngọn nến do thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II gửi tặng.

Khi rời đi, ĐTC Phanxicô đã ký vào cuốn sổ vàng (sổ danh dự) tại Đài kỷ niệm về Auschwitz với dòng chữ: "Lạy Chúa, xin thương xót dân Chúa. Lạy Chúa, xin tha thứ cho sự độc ác lớn lao này" - Phanxicô, 29.07.2016.


ĐTC Phanxicô trong phòng giam của thánh Maximilian Kolbe
Osservatore Romano | AFP

ĐTC Bênêđictô XVI: Thiên Chúa đã ở đâu trong những ngày ấy?

Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI đã đến thăm Auschwitz vào năm 2006 (tức 10 năm trước chuyến viếng thăm của ĐTC Phanxicô).

Trong sự kính trọng của ngài, Đức Bênêđictô XVI đã bày tỏ:
Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã đến đây với tư cách là một người con của dân tộc Ba Lan. Và tôi đến đây ngày hôm nay với tư cách là một người con của nhân dân Đức. Chính vì lý do ấy, tôi có thể và cần phải lặp lại những lời mà Đức Gioan Phaolô II đã nói: Tôi không thể không đến đây. Tôi phải đến...

Có quá nhiều câu hỏi nảy sinh tại nơi này! Những câu hỏi cứ liên tục được đặt ra: Chúa đã ở đâu trong những ngày ấy? Tại sao Ngài lặng im? Sao Ngài có thể cho phép những cuộc tàn sát dài bất tận này xảy ra, sao Ngài cho phép sự dữ chiến thắng?

Chúng ta không thể nhìn thấu được kế hoạch mầu nhiệm của Thiên Chúa - chúng ta chỉ thấy từng phần một, và chúng ta sẽ phạm sai lầm khi tự đặt mình trở thành vị thẩm phán của Thiên Chúa và của lịch sử.

Là khi chúng ta không bênh vực con người, nhưng lại chỉ góp phần vào sự sa ngã của con người. Không - khi mọi sự đã được lên tiếng và đã hoàn tất, chúng ta phải tiếp tục khiêm tốn mà kêu lên cùng Chúa rằng: Xin Chúa thức dậy! Xin Chúa đừng bỏ quên loài người là tạo vật của Ngài! Và tiếng kêu cầu của chúng ta với Chúa cũng phải là tiếng kêu xuyên thấu tận trái tim chúng ta, là tiếng kêu đánh thức chúng ta về sự hiện diện tiềm ẩn của Thiên Chúa - để quyền năng và sức mạnh mà Ngài đã gieo vào lòng chúng ta sẽ không bị chôn vùi hay bóp nghẹt bởi những vũng lầy của sự ích kỷ, sự tự cao tự đại, của thờ ơ hay của chủ nghĩa cơ hội...

Nơi mà chúng ta đang đứng đây là một nơi của ký ức, nó là nơi của nạn diệt chủng (the Shoah - cuộc tàn sát người Do Thái). Quá khứ không bao giờ đơn giản là quá khứ. Quá khứ luôn luôn có một điều gì đó để nói với chúng ta; quá khứ cho chúng ta biết những con đường để đi và chỉ ra những con đường không nên đi...

Tại Auschwitz-Birkenau - mạng lưới các trại tập trung và trại hủy diệt Auschwitz, con người phải bước qua một "thung lũng bóng tối". Và vì vậy, tại nơi này, tôi muốn được kết thúc lại bằng lời cầu nguyện cậy trông - với một trong những Thánh Vịnh của dân Israel - dân Thiên Chúa, và cũng là lời cầu nguyện của các Kitô hữu:

"Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì.
Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ.
Người đưa tôi tới dòng nước trong lành và bổ sức cho tôi
Người dẫn tôi trên đường ngay nẻo chính vì danh dự của Người.
Lạy Chúa, dầu qua lũng âm u con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng.
Côn trượng Ngài bảo vệ, con vững dạ an tâm...
Lòng nhân hậu và tình thương CHÚA ấp ủ tôi suốt cả cuộc đời,
và tôi được ở đền Người những ngày tháng, những năm dài triền miên." (Tv 23, 1-4, 6).


ĐTC Bênêđictô XVI mang theo một ngọn nến đến trước bức tường tử thần tại trại tập trung cũ của Đức Quốc xã - Auschwitz ở Oswiecim, ngày 28 tháng 5 năm 2006.

Ngài kết thúc chuyến hành hương đến Ba Lan bằng một chuyến viếng thăm đến Auschwitz-Birkenau đầy xúc động và ý nghĩa.
Auschwitz-Birkenau - mạng lưới các trại tập trung và trại hủy diệt lớn nhất được thành lập bởi Đức Quốc xã trên lãnh thổ Ba Lan.

AFP PHOTO / POOL / Pier Paolo Cito

ĐTC Gioan Phaolô II: Chiến tranh không bao giờ tái diễn.

Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã đến thăm trại giam tử thần này vào năm 1979, gần thời gian sau khi ngài được đắc cử. Tại quê hương Ba Lan của mình là nơi mà ngài đã viếng thăm rất nhiều lần và như ngài đã lưu ý:

Tôi ở đây hôm nay với tư cách là một người hành hương. Ai cũng biết rằng tôi đã đến đây nhiều lần. Rất nhiều lần! Và tôi đã nhiều lần đi xuống căn phòng tử hình của thánh Maximilian Kolbe và quỳ gối trước bức tường hành quyết, và khi đi qua đống đổ nát của lò hỏa táng ở Birkenau. Tôi không thể không đến đây với tư cách là Giáo hoàng.

Đức Gioan Phaolô II đã dẫn lời của vị Giáo hoàng tiền nhiệm - Đức Phaolô VI: Vì thế, tôi muốn lặp lại tại nơi này những lời mà Đức Phaolô VI đã kêu gọi tại diễn đàn Liên Hiệp quốc (ONU):

"Đủ để nhớ rằng máu của hàng triệu người đã đổ ra, vô số những đau khổ chưa từng có, cuộc tàn sát vô ích và những tàn tích kinh hoàng... là sự phê chuẩn hay thừa nhận của một giao ước gắn kết các bạn trong cùng một cam kết long trọng sẽ làm thay đổi tương lai của lịch sử thế giới: Đừng chiến tranh nữa, đừng bao giờ chiến tranh nữa. Đó là hòa bình, hòa bình phải hướng dẫn vận mệnh các dân tộc và của toàn thể nhân loại." (AAS 57, 1965, p. 881).

Đức Gioan Phaolô II đã kết luận cho bài diễn văn của mình như sau:
Tôi nói, không chỉ vì những người đã mất, bốn triệu nạn nhân của cuộc tàn sát lớn lao này, tôi nói điều này với danh nghĩa của tất cả các dân tộc đang bị xâm phạm quyền lợi và bị lãng quên. Tôi nói, vì điều này yêu cầu tôi phải nói, điều này mời gọi tất cả chúng ta - đến với sự thật. Tôi nói lên, vì điều này mời gọi tôi nói lên, mời gọi tất cả chúng ta, quan tâm đến nhân loại.

Và vì thế, tôi mời gọi tất cả những ai nghe thấy tôi, rằng: bạn hãy tập trung, hãy tập trung tất cả sức mạnh của mình để quan tâm, chăm sóc cho con người. Nhưng với những ai lắng nghe tôi nói đây với đức tin vào Chúa Giêsu Kitô, tôi mời gọi bạn hãy tập trung vào lời cầu nguyện cho hòa bình và sự hòa giải.

Anh chị em thân mến, tôi không còn điều gì để bày tỏ. Tôi dành trọn tâm trí khẩn cầu lên Thiên Chúa chúng ta:

Thiên Chúa là Đấng Chí Thánh. Là Đấng Thánh Thiện và mạnh mẽ. Thiên Chúa là Đấng Hằng Sống. Từ dịch bệnh, từ nạn đói, từ lửa thiêu đốt và từ chiến tranh...
Và từ chiến tranh,
xin cứu thoát chúng con, lạy Chúa.
Amen.


ĐTC Gioan Phaolô II tại Auschwitz-Birkenau, ngày 7 tháng 6 năm 1979. Đây là chuyến đi đầu tiên của ngài đến Ba Lan, sau khi ngài đắc cử.

AFP

--
Nguồn: "With images: 3 Popes at Auschwitz", Kathleen N. Hattrup, 01/27/22, aleteia.org.
Maria Ngọc Tỷ chuyển ngữ.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến