KHOẢNG CÁCH GIỮA CÁC TỪ NGỮ: MỘT SÁNG KIẾN BỞI CÁC VỊ ĐAN SĨ


Rằng, chỉ khi đến thế kỷ thứ VII, khoảng cách giữa các từ ngữ (với nhau) trong bản văn viết tay mới được đưa vào sử dụng trong sự thinh lặng nơi các đan viện tại Ireland.

Liệu ai có thể nghĩ rằng: cần phải tạo ra một khoảng cách giữa các từ ngữ với nhau cơ chứ?

Dấu tích đầu tiên được tìm thấy của ngôn ngữ viết đã có hơn 5.000 năm tuổi và đến từ cái nôi của nhân loại - Mesopotamia, còn gọi là Lưỡng Hà (cái nôi của chữ thảo hay văn minh nhân loại nói chung). Tuy nhiên, chữ viết là một dạng ngôn ngữ cần được sản sinh hay cải biến nhiều lần để có thể thành công trong việc ghi lại lời nói/ngôn từ lên đất sét, đá tảng, tấm da thú, hay cuộn giấy. Trong tiến trình lịch sử nhân loại, không phải khi nào cũng luôn có sự hiện diện của chữ viết, và phải mất rất nhiều thời gian để hình thành nên các dấu câu; cũng như sự cải biến trong việc phân cách giữa các từ ngữ với nhau đã được diễn ra khá chậm trễ (theo quan điểm của tác giả bài viết).

Trong các bản văn viết tay bằng tiếng Hy Lạp và Latin cổ, lối viết “scriptio continua”, tức lối viết liên tục lại thường chiếm ưu thế. Với lối viết này, các từ ngữ được trình bày nối tiếp nhau mà không có bất kỳ dấu ngắt câu hay khoảng trống nào giữa chúng, kể cả là dấu gạch nối nếu từ ngữ ở dòng trên tiếp tục tràn xuống dòng dưới. Và khi đọc, người ta thường phải lướt mắt dọc theo các khối chữ mờ đục (tức, đọc dọc hết từ trên xuống); và các chữ ấy được sắp xếp theo một cách thống nhất thành các đoạn văn bản hình chữ nhật. Song, lúc bấy giờ, việc đọc này lại chỉ dành cho một số ít người được tuyển chọn, trong khi đại đa số người dân Châu Âu (đương thời) thường rất ít học hay có thể nói là “mù chữ”.

Có một thời kỳ, tiếng Hy Lạp và tiếng Latin đã kết hợp thêm dấu “interpunct” (tức một dấu chấm được căn giữa theo chiều dọc giữa các từ, gọi vắn tắt là dấu chấm giữa, được dùng như một điểm giao thoa hòng phân tách các từ ngữ với nhau), nhưng sau đó lại không còn được sử dụng đến. Vì vậy mà các văn bản chỉ có thể tỏ lộ ý nghĩa của mình (cách rõ ràng nhất) khi được đọc to thành tiếng (“clare legere”); điều này khiến người đọc phải cố gắng làm quen với việc đặt dấu ngắt chữ hay ngắt quãng trong đầu, và lắm khi đòi hỏi người đọc phải học thuộc phần nào đó hoặc toàn bộ bản văn nếu thực sự mong muốn công bố nội dung cho người khác.

Khởi đầu của văn bản hiện đại

Mãi cho đến thế kỷ thứ VII sau Công nguyên, các đan sĩ tại Ireland - những người mà chúng ta vô cùng biết ơn, các vị đã quen với bảng chữ cái Ailen cổ (đây là ngôn ngữ tiền thân cổ xưa của ngôn ngữ Ireland hiện đại); các vị đã rất chật vật để có thể giải mã các bản văn tiếng Latin, cũng như đã ra sức để cải biến cách viết sao cho phù hợp. Các vị đan sĩ này bắt đầu phân tách các từ ngữ ra khỏi nhau, bằng cách sử dụng khoảng trống hay dấu cách như chúng ta đã học biết và dùng ngày nay.

Cùng thời điểm ấy, các dấu câu bắt đầu được hình thành, chẳng hạn như dấu phẩy, lúc bấy giờ nó chỉ là một dấu gạch chéo, hay như ký tự trên cùng của dấu chấm hỏi. Và đây cũng là nguồn gốc hay xuất phát của ký tự pilcrow - một dạng đảo chiều của chữ “P” (¶), nó cũng đến từ việc viết hai lần chữ “C” chồng lên nhau với một khoảng lệch thật nhỏ giữa hai chữ ấy; đồng thời, đây còn là viết tắt của từ “capitulum” trong tiếng Latin, có nghĩa là “chương”, và ký tự pilcrow trên như một sự biểu thị cho việc kết thúc một đoạn văn (ngắn gọn hơn thường được dùng như một biểu tượng chỉ định ngắt đoạn văn, bắt đầu một đoạn văn mới).

Tuy nhiên, việc sử dụng ký tự pilcrow này chỉ giới hạn ở thế giới những người dùng ngôn ngữ Celtic và Anglo-Saxon, bởi phải đến triều đại vua Charlemagne (vua của Vương quốc Frank) vào cuối thế kỷ thứ VIII, với một cuộc cải cách mới về ngữ pháp, khi ấy những quy tắc của nó mới chính thức được đưa vào chữ viết cách rộng rãi hơn.

Sự thật là cho đến thế kỷ XII, việc tách rời các từ ngữ vẫn còn ở giai đoạn sơ khai, và khoảng cách giữa các đoạn văn hay các câu với nhau vẫn còn khá ngẫu nhiên trong cách phân bổ. Sau đó, phải mất thêm một khoảng thời gian, các từ ngữ, cuối cùng, mới có thể được phân tách hay tách biệt hoàn toàn với nhau - giúp loại bỏ (khá nhiều) sự mơ hồ trong cách giải thích ngữ nghĩa; điển hình như một ví dụ nổi tiếng về “Godisnowhere” - người ta có thể dễ dàng đọc hiểu là “God is now here” tức “Chúa đang hiện diện nơi đây/ Chúa đang ở đây”, hay cũng có thể là “God is no where”, nghĩa là “Chúa không có ở đâu cả”.

Hiện nay, nhân loại vẫn còn lưu giữ được “The Codex Sinaiticus” (hay còn gọi là bản Kinh Thánh Si-nai), một bản Kinh Thánh được viết tay bằng tiếng Hy Lạp vào thế kỷ thứ IV bao gồm các bản văn trong Kinh Thánh, mà phần lớn được viết theo lối “scriptio continua” - không có bất kỳ sự tách biệt hay khoảng cách nào giữa các từ ngữ.


Đọc thầm (“legere tacite” hay “legere sibi”)

Nhờ việc hình thành khoảng cách giữa các từ ngữ đã làm xuất hiện một cách thực hành mới với các bản văn, đó chính là đọc thầm, mà trước đây, đa số văn bản thường được dùng để đọc to thành tiếng.

Dấu tích xa xưa cho điều này có thể được tìm thấy trong tác phẩm “Tự Thuật” của thánh Augustinô, thánh nhân đã lấy làm kinh ngạc khi khám phá ra rằng thánh Ambrôsiô (tại Milan) đang đọc một bản văn mà không chút cử động môi miệng. “Khi đọc sách, mắt người rảo qua các trang giấy và tâm trí người tìm ra tư tưởng; còn lưỡi và tiếng nói của người thì nghỉ ngơi. […] Nhiều lần, khi có mặt con ở đó, con cũng thấy người đọc sách một cách im lặng như vậy, không bao giờ đọc lớn tiếng.” (trích Tự Thuật của Thánh Augustinô, chuyển ngữ bởi Giám mục Micae Nguyễn Khắc Ngữ).

Kể từ đó, mối tương quan với bản văn được thay đổi, là đi vào sự mật thiết hơn nơi từng cá nhân: người đọc giờ đây có thể đọc bản văn một mình (hay tự đọc hoặc đọc cho chính mình); đầu tiên là để được chỉ dạy hay hướng dẫn, sau đó là để được nên vui thích, và nguồn văn chương như chúng ta biết ngày hôm nay đã ra đời như thế.

Đến nay đã 14 thế kỷ trôi qua, chúng ta hãy mỉm cười và hãy hết lòng cảm ơn các vị đan sĩ Ireland đầy ơn phúc, và (cách nào đó) chúng ta mắc nợ các ngài trên thế gian này một chút thinh lặng và nghỉ ngơi trong sách Thánh.

-
Nguồn bài viết: Morgane Afif, The space between words: an invention of monks, aleteia.org, đăng tải ngày 30/01/2024.
-
Nguồn hình ảnh:
[1] Virag Nobile I Shutterstock
[2] The Codex Sinaiticus, a fourth-century manuscript of parts of the Bible in Greek, much of which is written in scriptio continua, without any separation between the words. Public Domain, The British Library.
-
Maria Ngọc Tỷ chuyển ngữ và biên tập.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến